Tổng quan về dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua, vượt cả thời điểm trước dịch. Riêng tháng 9, lượng vốn FDI đăng ký đã chiếm 17,2% mức lũy kế từ đầu năm (tương đương 4,26 tỷ USD).
Sự gia tăng mạnh mẽ của FDI tại các địa phương
Trong 9 tháng đầu năm, nhiều tỉnh thành đã công bố quy hoạch cùng các chương trình xúc tiến – gặp gỡ đầu tư, triển khai các chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững. Chính phủ cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thực hiện hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030.
Bắc Ninh thể hiện sức hút lớn với nhà đầu tư quốc tế khi đóng góp 18% (khoảng 4,5 tỷ USD) và gấp 3,5 lần cùng kỳ. Các khoản đầu tư không chỉ vào những lĩnh vực thâm dụng lao động mà còn cả ở lĩnh vực phần mềm, bán dẫn. Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor Technology Việt Nam điều chỉnh tăng thêm 1,07 tỷ USD. Dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh của Foxconn Singapore có số vốn đầu tư 383,3 triệu USD.
Tại phía Nam, ngoài TP HCM – địa phương đứng thứ hai trong Top 10 về thu hút vốn ngoại, khu vực này xuất hiện một số “ngôi sao” mới nổi như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận. Đồng Nai đặt chỉ tiêu năm 2024 thu hút 700 triệu USD vốn FDI nhưng sau 9 tháng đã đạt gần 1,2 tỷ USD, tập trung phát triển nhiều khu công nghiệp xanh để đón đầu các FDI thế hệ mới. Bà Rịa – Vũng Tàu, 9 tháng đầu năm, thu hút vốn FDI đã tăng gấp 3,35 lần năm ngoái với 48 dự án cấp mới. Tại Ninh Thuận, riêng trong tháng 9, địa phương này đã ghi nhận lượng vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 910 triệu USD.
Dòng vốn FDI là động lực tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh giải ngân đầu tư công – một trong những động lực tăng trưởng chính – vẫn ì ạch, chỉ đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Dòng vốn giải ngân FDI tích cực là một trong những động lực để kỳ vọng kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng trong quý IV/2024 nhờ các điều kiện vĩ mô thuận lợi.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) – đánh giá xu hướng này kỳ vọng tiếp diễn trong quý IV và cả các quý tiếp theo. Lợi thế thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn đang được duy trì như vị trí địa lý thuận lợi, ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do FTA, chi phí nhân công rẻ và hệ thống giao thông, logistics đang từng bước được cải thiện.
Thách thức và triển vọng thu hút FDI
Ông Bruno Jaspaert – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) – trong báo cáo vừa công bố, đánh giá đã nhìn thấy sự kiên cường, thích ứng của cả nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại đây sau cơn bão Yagi. Cuộc khảo sát với 1.400 thành viên của EuroCham cho thấy 67% khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định. Gần một nửa (47,4%) tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ cải thiện trong quý tới. Triển vọng dài hạn vẫn ở mức cao, với 69,3% kỳ vọng về môi trường kinh doanh thuận lợi trong vòng năm năm tới.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số rào cản các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng cần sớm tháo gỡ về tuyển dụng lao động ở Việt Nam. Một trong số đó là thiếu hụt các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, tỷ lệ nghỉ việc cao và hạn chế trong việc cung cấp nguồn lực đào tạo. Đối với các chuyên gia nước ngoài, theo ông, những thách thức chủ yếu đến từ quy trình xin visa và giấy phép lao động phức tạp, quy định lao động nghiêm ngặt và chi phí liên quan cao, kèm theo khó khăn trong việc xin các giấy tờ và phê duyệt cần thiết.
Nguồn: https://vnexpress.net
Xem bài viết gốc tại đây