Chứng khoán tuần qua giảm hơn 22 điểm, tâm điểm cổ phiếu NVL, DRH, NRC, VNZ

Thị trường chứng khoán tuần qua: Xu hướng giảm điểm

Thị trường chứng khoán tuần qua (từ ngày 05/09 đến ngày 13/09) chứng kiến xu hướng giảm điểm với 4/5 phiên điều chỉnh đi xuống. VN-Index từ mốc dưới 1.270 điểm bị kéo về sát 1.250 điểm. Có phiên chỉ số này rơi về dưới mốc hỗ trợ quan trọng kể trên nhưng vẫn cải thiện lúc đóng cửa.

Thanh khoản thấp do tâm lý nhà đầu tư thận trọng

Diễn biến rung lắc mạnh của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn phương án đứng ngoài cuộc chơi, dẫn đến thanh khoản trên thị trường luôn ở mức thấp trong tuần qua. Kết phiên cuối tuần (13/09), chỉ số VN-Index giảm 4,64 điểm, xuống 1.251,71 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index tăng 0,51 điểm, lên 232,42 điểm. Chỉ số UPCoM-Index cũng tăng 0,23 điểm, lên 92,95 điểm. Như vậy, chỉ trong tuần qua, chỉ số VN-Index đã “bốc hơi” hơn 22 điểm.

Cổ phiếu NVL: Bán tháo sau khi bị cắt margin

Cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) bị các nhà đầu tư bán tháo ngay sau tin bị HoSE cắt margin do chậm công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2024 đã được soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin. Tuần qua, cổ phiếu NVL có 3/5 phiên giảm điểm, thị giá “bốc hơi” hơn 10% trong tuần qua. Cụ thể, cổ phiếu NVL khởi đầu tuần mới tăng 1,54% lên 13.200 đồng/cổ phiếu. Nhưng ngay sau tin bị HoSE cắt margin cổ phiếu NVL đã có 3 phiên giảm điểm liên tiếp, thị giá “bốc hơi” hơn 14%, cùng với thanh khoản tăng đột biến với gần 100 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh chỉ trong 3 phiên giao dịch này. Tuy nhiên, vào phiên cuối tuần (13/09), cổ phiếu NVL đã được các nhà đầu tư “gom” mạnh trở lại, thị giá tăng 1,32% lên 11.550 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt gần 10,3 triệu đơn vị.

Cổ phiếu DRH: Đình chỉ giao dịch sau khi chậm công bố báo cáo tài chính

Ngay sau tin Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) có thông báo gửi CTCP DRH Holdings (HoSE: DRH) về việc sẽ thực hiện chuyển cổ phiếu của công ty này từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch theo quy định. Với lý do, DRH Holdings chậm công bố báo cáo tài chính soát xét 2024 sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Động thái này khiến giá cổ phiếu DRH rơi thẳng đứng. Kết phiên 9/9, giá cổ phiếu DRH ở mức 2.160 đồng, giảm 6,9% so với phiên trước, khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 2,3 triệu đơn vị – cao gấp gần 8 lần bình quân 10 phiên giao dịch trước đó. Chưa dừng lại ở đó, ở 2 phiên 10/9 và 11/9 cổ phiếu DRH tiếp tục nằm sàn. Sang phiên 12/9, mã cổ phiếu địa ốc này giảm 4,81% xuống 1.780 đồng/cổ phiếu. Đồng thời là phiên giảm điểm thứ 10 liên tiếp của mã cổ phiếu này. Tuy nhiên, ở phiên 13/9, cổ phiếu DRH của CTCP DRH Holdings bất ngờ “quay xe” tăng trần, ngắt thành công chuỗi 10 phiên giảm điểm liên tiếp (gồm 3 phiên giảm sàn). Kết phiên 13/9, giá cổ phiếu DRH ở mức 1.900 đồng/cổ phiếu, tăng 6,74% so với phiên trước, khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt gần 2,7 triệu đơn vị.

Cổ phiếu NRC: Giảm mạnh và nằm ở vùng giá thấp nhất lịch sử

Kết phiên 13/9, giá cổ phiếu NRC của CTCP Tập đoàn Danh Khôi ở mức 2.700 đồng/cổ phiếu, giảm 10% so với phiên trước, khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng đột biến đạt hơn 8,5 triệu đơn vị – tăng gấp khoảng 15 lần khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu NRC nằm sàn, ở phiên trước (12/9), mã cổ phiếu địa ốc này giảm sàn 9,09% xuống 3.000 đồng/cổ phiếu, với khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt gần 1,9 triệu đơn vị. Rộng hơn, trong 10 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu NRC đã có 7/10 phiên giảm điểm (gồm 2 phiên giảm sàn), thị giá “bốc hơi” 33,3%, tương ứng giảm 900 đồng/cổ phiếu. Hiện, cổ phiếu NRC đang nằm ở vùng giá thấp nhất lịch sử, kể từ khi lên sàn từ năm 2018.

Cổ phiếu VNZ: Bứt phá sau tin khẳng định nhà sáng lập vẫn giữ vai trò CEO

Ngay sau thông tin biến động thượng tầng doanh nghiệp vào cuối tuần qua, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG đã “lao dốc” mạnh ở 2 phiên đầu tuần, với thị giá “bốc hơi” gần 30% chỉ sau 2 phiên. Tuy nhiên, thông tin phát đi từ VNG sau đó, khẳng định nhà sáng lập Lê Hồng Minh hiện vẫn là Tổng Giám đốc (CEO) cũng như người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đã giúp cổ phiếu “kỳ lân công nghệ” này “thăng hoa” trở lại. Tại 2 phiên giữa tuần, cổ phiếu VNG tăng kịch trần 2 phiên liên tiếp. Như vậy chỉ trong vòng 2 phiên giao dịch vừa qua, thị giá cổ phiếu VNZ đã tăng gần 30%. Sang phiên cuối tuần (13/09), cổ phiếu VNZ bắt đầu giảm sức hút, chỉ tăng 2,08% lên 418.100 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt gần 20 nghìn đơn vị.

Cổ phiếu SAC: Bứt phá sau thông tin chi trả cổ tức bằng tiền

Sau phiên tăng kịch trần, cổ phiếu SAC của CTCP Xếp dỡ và Dịch vụ Cảng Sài Gòn tiếp tục bứt phá 3,57% cán mốc 29.000 đồng/cp (chốt phiên 13/09). Như vậy, sau 1 tháng cổ phiếu này đã bứt phá 32% giá trị để leo lên sát mức đỉnh lịch sử thiết lập cuối tháng 6/2024. Thanh khoản cũng tăng vọt với hơn 200 nghìn đơn vị khớp lệnh, con số này cao gấp nhiều lần so với khối lượng bình quân của chỉ chục nghìn đơn vị của SAC. Thị giá cổ phiếu tăng vọt sau thông tin chốt ngày 30/9 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 70,65%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 7.065 đồng. Với hơn 3,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự kiến sẽ chi gần 28 tỷ đồng trả cổ tức trong đợt này. Ngày thanh toán dự kiến là 15/10 tới đây. Trong cơ cấu cổ đông, CTCP Cảng Sài Gòn (SGP – công ty con của VIMC) đang là cổ đông lớn nhất với việc sở hữu 52,72% vốn dự kiến sẽ nhận về 15 tỷ đồng. Theo sau, CTCP Thương mại và đầu tư thịnh vượng Việt Nam (nắm 7,8% vốn) và CTCP Vật tư nông sản (nắm 5% vốn) sẽ lần lượt nhận về 2 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng.


Nguồn: https://cafef.vn

Xem bài viết gốc tại đây

Leave a Comment

Scroll to Top