Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ cổ phiếu công nghệ
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (28/10), khi nhà đầu tư mua mạnh các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn trước khi các doanh nghiệp này công bố báo cáo tài chính. Tình hình địa chính trị Trung Đông bớt căng thẳng cũng là một động lực thúc đẩy tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư cổ phiếu. Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,27%, đạt 5.832,52 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 273,17 điểm, tương đương tăng 0,65%, đạt 42.387,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,26%, đạt 18.567,19 điểm – một kỷ lục đóng cửa mới.
Tuần bận rộn với báo cáo tài chính
Tuần này sẽ là tuần bận rộn nhất trong mùa báo cáo tài chính quý 3/2024. Trong nhóm 7 công ty công nghệ vốn hóa lớn nhất Magnificient 7, sẽ có 5 công ty công bố báo cáo trong tuần này, gồm Alphabet, Microsoft, Meta Platforms, Amazon và Apple. Lạc quan về triển vọng lợi nhuận, nhà đầu tư đã gom mua các cổ phiếu này trong những phiên gần đây và phiên đầu tuần không phải là một ngoại lệ. Chốt phiên, Apple và Alphabet tăng gần 1%, giữ vai trò trụ cột cho phiên tăng của Nasdaq. “Định giá cổ phiếu đang ở mức cao, nên mối quan tâm bây giờ là liệu các công ty niêm yết có tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như trước hay không” – ông Mike Dickson, trưởng nghiên cứu của công ty Horizon Investments, nhận định.
Tâm lý bấp bênh của nhà đầu tư
Tâm lý bấp bênh của nhà đầu tư ở Phố Wall được dự báo sẽ tăng lên trong tuần này, bởi đây là tuần cuối cùng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 và quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 7/11. Tuần này còn có nhiều số liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố, gồm báo cáo sơ bộ về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 dự kiến công bố vào ngày thứ Tư; báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – vào ngày thứ Năm; và báo cáo việc làm phi nông nghiệp vào ngày thứ Sáu. Tất cả những số liệu này đều có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới đường đi lãi suất của Fed trong thời gian tới.
Giá dầu giảm mạnh
Trong các cuộc không kích Iran vào cuối tuần vừa rồi, Israel đã không nhằm vào các cơ sở dầu lửa của nước này như lo sợ trước đó. Phần bù rủi ro của giá dầu vì thế đã giảm mạnh trong phiên ngày thứ Hai. Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 4,4 USD/thùng, tương đương giảm 6,13%, còn 67,38 USD/thùng, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 12/7/2022. Giá dầu thô Brent giao sau tại London trượt 4,63 USD/thùng, tương đương giảm 6,09%, còn 71,42 USD/thùng. Cuộc tấn công hôm thứ Bảy là sự trả đũa của Israel đối với cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran nhằm vào Israel hôm 1/10.
Triển vọng giảm giá dầu
Giá dầu hiện còn đang đương đầu áp lực giảm từ triển vọng kinh tế toàn cầu giảm tốc, nhất là kinh tế Trung Quốc – yếu tố có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, sản lượng dầu của thế giới đang có chiều hướng tăng lên, không chỉ ở những nước sản xuất dầu lớn như Mỹ, Canada và Brazil mà còn ở những nước sản xuất dầu nhỏ hơn như Argentina và Senegal – theo Chủ tịch Andy Lipow của công ty Lipow Oil Associates. “Giá dầu sẽ tiếp tục đương đầu với áp lực giảm trong năm nay và khó có chuyện giá dầu Brent đạt 80 USD/thùng trong tương lai gần”, ông Lipow nói. “Những hành động quân sự gần đây của Israel được thị trường cho là ít có khả năng dẫn tới một đợt leo thang căng thẳng ảnh hưởng tới nguồn cung dầu”, một báo cáo của ngân hàng Citi nhận định, cắt giảm 4 USD/thùng trong dự báo giá dầu 3 tháng tới, về mức 70 USD/thùng. Đồng quan điểm trên, nhà phân tích Saul Kavonic của công ty MST Marquee cho rằng phần bù rủi ro của giá dầu đã giảm đi vài USD mỗi thùng, vì bản chất hạn chế của cuộc tấn công trả đũa mà Israel vừa tiến hành, bao gồm việc không nhằm vào hạ tầng dầu lửa, đã làm dấy lên hy vọng về một lối đi tiến tới giảm căng thẳng.
Nguồn: https://vneconomy.vn
Xem bài viết gốc tại đây