Tổng quan thị trường chứng khoán tháng 11: Diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro
Báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán tháng 11 của Mirae Asset cho thấy VN-Index vẫn bị chi phối bởi diễn biến của các cổ phiếu thuộc rổ VN30, đặc biệt là nhóm Ngân hàng. Trong khi đó, định giá của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục tăng cao hơn so với tháng trước, mặc dù kết quả kinh doanh kém ấn tượng hơn so với các cổ phiếu blue-chip. Hệ số P/E 14,6 của VN-Index hiện tại chưa đủ hấp dẫn để thu hút sự tham gia rộng rãi của nhà đầu tư, dẫn đến việc chỉ số này đã thất bại trong việc vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm trong sáu lần liên tiếp.
Động lực tăng trưởng hạn chế
Động lực tăng trưởng thị trường từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung vào cổ phiếu Ngân hàng và một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh đột phá như FPT. Các ngành khác gặp khó khăn trong việc thu hút dòng vốn, do các động lực tăng trưởng dự kiến từ đầu năm 2024 chưa hoàn toàn trở nên hiện hữu. Giai đoạn tích lũy kéo dài của chỉ số kể từ tháng 4, dao động trong khoảng 1.200 đến 1.300 điểm, sẽ là một điểm nghẽn cần phải theo dõi. Động lực bứt phá trong những tháng tới sẽ phụ thuộc nhiều vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025, được thúc đẩy bởi một số yếu tố chính như đẩy mạnh đầu tư công, phục hồi sản xuất kinh doanh vào năm 2025, nỗ lực nâng hạng thị trường FTSE nhằm thu hút dòng vốn ngoại (dự kiến nâng hạng vào khoảng tháng 9 năm 2025), và ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Rủi ro tiềm ẩn từ hoạt động “shadow banking”
Dư nợ cho vay ký quỹ trong 9 tháng năm 2024 vẫn có sự tăng trưởng nhất định với tổng dư nợ lần đầu tiên vượt mốc hơn 200 nghìn tỷ đồng vào Q2/2024. Phần lớn dư nợ cho vay hiện tại được cô đọng tại nhóm nhà đầu tư tổ chức hoặc doanh nghiệp tìm đến các công ty chứng khoán để thực hiện các thương vụ cho vay với tài sản thế chấp bằng cổ phiếu. Điều này tiềm ẩn rủi ro về các đợt “call margin” chéo giữa các mã cổ phiếu được một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ. Mặc dù chưa được xem là rủi ro lớn nhất đối với diễn biến giao dịch ở thời điểm hiện tại, rủi ro trong hoạt động “shadow banking” với các thương vụ cho vay thế chấp bằng cổ phiếu sẽ là yếu tố cần phải theo dõi khi diễn biến giao dịch của VN-Index đang dần có những vết nứt gãy của dòng tiền, dẫn đến thiếu đi lực cầu cần thiết nếu áp lực dần trở nên lớn dần và lan rộng đến nhiều nhóm ngành.
Triển vọng tháng 11: Phục hồi ngắn hạn, cần thận trọng
Bước sang hai tháng cuối cùng của năm 2024, Mirae Asset kỳ vọng những bất ổn xoay quanh chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ dần được làm rõ. Điều này sẽ giúp xóa tan những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2025. Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 11 kỳ vọng về phản ánh của kết quả kinh doanh quý 3 lên diễn biến giao dịch chung. Sau nhịp điều chỉnh cuối tháng 10, VN-Index đã ổn định quanh mức hỗ trợ 1.250 điểm, với lực cầu được củng cố và bất ngờ tăng vọt khi phản ứng với kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đợt tăng đầu tháng 11 chưa hẳn là dấu hiệu của sự thay đổi về các yếu tố nội tại, mà thay vào đó chủ yếu phản ánh dòng tiền trong ngắn hạn. Đà tăng này cũng đồng thuận với sự hồi phục của các tài sản rủi ro được cho là sẽ hưởng lợi từ việc tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump, như đồng USD, Bitcoin và thị trường chứng khoán nói chung.
Kỳ vọng phục hồi trên diện rộng, giảm sự phụ thuộc vào nhóm Ngân hàng
Điều kỳ vọng sẽ là quá trình phục hồi trên diện rộng với dòng tiền lan tỏa và đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu Ngân hàng. Báo cáo lợi nhuận quý 3 đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc đầu tiên khi lợi nhuận tại một số ngành trọng điểm như Thép và Bán lẻ đã trở lại mức bình thường trước COVID. Trong hai tháng còn lại của năm, dự kiến VN-Index sẽ giao dịch trong khoảng 1.250-1.300 điểm, với xu hướng tích lũy hướng tới mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cảnh giác với áp lực chốt lời tiềm ẩn trong vùng kháng cự tại 1.300-1.330 điểm.
Tác động của bầu cử Tổng thống Mỹ đến FDI
Dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, bất động sản công nghiệp được dự đoán sẽ hưởng lợi từ chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu mang tên “Trung Quốc + 1”, nhưng tác động đến dòng vốn FDI đối với thị trường Việt Nam dự kiến sẽ duy trì xu hướng ổn định trước đó. Xu hướng này cho thấy các tập đoàn đa quốc gia ngày càng chuyển hướng sang Việt Nam như một trung tâm sản xuất thay thế, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, không kỳ vọng về sự gia tăng đột ngột của dòng vốn FDI ngay sau khi chính quyền mới của Hoa Kỳ nhậm chức. Thay vào đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì quỹ đạo hiện tại và tiếp tục được hỗ trợ bởi chiến lược dài hạn mang tên “Trung Quốc + 1“. Triển vọng dài hạn cho việc thu hút FDI sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lợi thế cạnh tranh Việt Nam so với các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là ở các cường quốc kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Bối cảnh cạnh tranh này sẽ được định hình bởi các yếu tố bao gồm chi phí lao động, năng suất, chất lượng cơ sở hạ tầng và các chính sách nhằm thu hút dòng vốn FDI.
Thách thức đối với tăng trưởng xuất khẩu năm 2025
Các tác động thực tế sẽ dần hiện hữu vào năm 2025 khi các chính sách mới của Tổng thống Trump được chính thức phê duyệt và thực thi, trong đó tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 có khả năng đối mặt với những trở ngại từ các mức thuế nhập khẩu mới khi cạnh tranh với các sản phẩm nội địa Hoa Kỳ hoặc có khả năng chịu mức thuế bình quân cao hơn hơn đối với hàng hóa được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Nguồn: https://vneconomy.vn
Xem bài viết gốc tại đây