“Gã khổng lồ” độc quyền dịch vụ hàng không tại Việt Nam: Biên lãi cao ngất ngưởng, cổ phiếu lập đỉnh lịch sử đưa vốn hoá chạm mốc 10 tỷ USD

Tổng quan về ACV: “Ông trùm” ngành hàng không Việt Nam

Trong bối cảnh thị trường chung có nhiều biến động, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lại ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng. Thị giá hiện đạt 114.300 đồng/cp, chạm mốc đỉnh lịch sử từng thiết lập hồi đầu năm 2018. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá cổ phiếu ACV đã tăng hơn 73%, vốn hóa leo lên ngưỡng 249.479 tỷ đồng (~10 tỷ USD), đưa ACV vào vị trí thứ 4 trong danh sách các doanh nghiệp lớn nhất toàn sàn chứng khoán, vượt qua nhiều tên tuổi lớn như FPT, Hòa Phát, Vingroup, Vinamilk, VPBank… và chỉ kém “Big 2” ngành ngân hàng là Vietcombank và BIDV cùng cái tên thuộc nhóm công nghệ viễn thông Viettel Global (VGI).

Lịch sử hình thành và phát triển

Được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất các Tổng Công ty Cảng hàng không ở 3 miền Bắc – Trung – Nam, ACV chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016 sau khi cổ phần hóa vào năm 2015. Cổ phiếu ACV chính thức lên sàn UPCoM vào tháng 11/2016. Sau hơn 7 năm thăng trầm trên thị trường chứng khoán, giá trị vốn hóa của ACV đã tăng gấp 4,6 lần. ACV hiện đang nắm độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước, bao gồm dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh. Tổng công ty được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.

Kết quả kinh doanh khả quan

Bước sang năm 2024, kế hoạch doanh thu công ty mẹ ở mức 20.000 tỷ đồng và LNTT công ty mẹ đạt 9.300 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Mục tiêu tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng là 103 triệu lượt khách; tổng sản lượng hàng hóa và bưu kiện là 1,356 triệu tấn và 690 nghìn lượt cất/hạ cánh. Sau quý đầu năm 2024, ACV đã phục vụ 28 triệu lượt khách ở tất cả mạng lưới sân bay của công ty. Đặc biệt, hành khách quốc tế đã tăng 47% so với cùng kỳ lên 10,5 triệu khách, trong khi hành khách nội địa giảm 15% so với cùng kỳ đạt 17,5 triệu khách. Sự phục hồi mạnh mẽ của khách du lịch Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng số lượng chuyến bay và lượng khách quốc tế, giúp ngành du lịch phục hồi trở lại mức trước dịch COVID-19. Doanh thu và lợi nhuận từ hành khách quốc tế cao hơn nhiều so với khách nội địa, cộng với việc không còn phải trích lập dự phòng nợ xấu cho các hãng hàng không, ACV đã đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng ấn tượng lần lượt là 19% và 78% so với cùng kỳ, lên 5.644 tỷ và 2.921 tỷ đồng. Biên lãi ròng trong quý 1 đạt mức ấn tượng, xấp xỉ 52%.

Triển vọng tăng trưởng tích cực

SSI Research kỳ vọng sự phục hồi số lượng hành khách quốc tế tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho năm 2024 và 2025 của ACV. SSI dự đoán tổng lượng hành khách sẽ tăng 14% so với cùng kỳ trong năm 2024 trước khi quay trở lại mức tăng trưởng thông thường trong dài hạn là 10% so với cùng kỳ trong năm 2025. Trong đó, hành khách nội địa có thể giảm 3% so với cùng kỳ trong năm 2024 do một số máy bay bị dừng bay để sửa động cơ trước khi tăng trở lại 5% so với cùng kỳ trong năm 2025. Mặt khác, hành khách quốc tế dự kiến sẽ tăng 67% trong năm 2024 và 18% trong năm 2025. SSI Research ước tính năm 2024, doanh thu đạt 23.900 tỷ đồng và LNTT 14.500 tỷ đồng. Sang năm 2025, tình hình tiếp tục khả quan với doanh thu 27.500 tỷ đồng (+15% so với cùng kỳ) và 17,6 nghìn tỷ đồng (+ 21,5% so với cùng kỳ), dự báo ACV sẽ liên tiếp phá đỉnh lợi nhuận trong 2 năm tới.

Yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu

ACV hiện không có kế hoạch cổ tức cho năm 2023, vì đang chờ Chính phủ phê duyệt và sửa đổi luật để trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tài trợ cho các khoản đầu tư lớn sắp tới. Ban lãnh đạo dự kiến việc sửa đổi luật sẽ được phê duyệt vào tháng 6/tháng 7 năm 2024, điều này có thể là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, ACV kỳ vọng việc xây dựng các dự án trọng điểm sẽ được tiến hành đúng tiến độ, trong đó T3 Tân Sơn Nhất và T2 Nội Bài dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2026, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 120 nghìn tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) cho 3 dự án này. Các dự án này được kỳ vọng sẽ giảm bớt nút thắt năng lực hiện tại của ngành hàng không Việt Nam và giúp thúc đẩy tăng trưởng hành khách trong dài hạn. Về mặt chi phí, SSI cho rằng ACV có thể cắt giảm dần dự phòng trong giai đoạn 2024- 2025 do nợ khó đòi đối với các hãng hàng không từ năm nay, do các hãng hàng không đã cải thiện được dòng tiền (HVN, VJC) hoặc cắt giảm quy mô (Bamboo Airways, Pacific Airways).

Đánh giá và khuyến nghị

SSI Research đánh giá cao cổ phiếu ACV vì đây được coi là cổ phiếu hưởng lợi chính cho tăng trưởng hàng không và triển vọng tăng trưởng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, với tốc độ CAGR lợi nhuận ròng 5 năm là 20%/năm. Trong 3-6 tháng tới, các yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu bao gồm đà tăng trưởng mạnh nhờ số lượng hành khách tiếp tục phục hồi, giảm các khoản dự phòng liên quan đến các hãng hàng không và ACV được chấp thuận trả cổ tức bằng cổ phiếu đang chờ chi trả từ năm 2019 đến nay.


Nguồn: https://cafef.vn

Xem bài viết gốc tại đây

Leave a Comment

Scroll to Top