CPI Mỹ yếu hơn dự báo, khả năng Fed hạ lãi suất tăng lên

Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ đi ngang trong tháng 5, lạm phát vẫn dai dẳng

Theo báo cáo từ Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ ngày 12/6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo giá cả của một rổ hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế – đi ngang trong tháng 5 so với tháng 4, nhưng tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI lõi, chỉ số không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 0,2% so với tháng 4 và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đều thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo tương ứng lần lượt là 0,3% và 3,5%.

Lạm phát nhà ở vẫn là lực cản lớn

Mặc dù cả CPI toàn phần và CPI lõi đều thấp hơn so với dự báo, lạm phát ở nhóm nhà ở vẫn tăng 0,4% trong tháng và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn so với kỳ vọng. Nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa – dịch vụ CPI và là một lực lượng “ngoan cố” mà Fed phải đối đầu trong cuộc chiến chống lạm phát. Thay vào đó, tốc độ tăng của giá cả được kiểm soát chủ yếu do cú giảm 2% của giá năng lượng và việc giá thực phẩm chỉ tăng 0,1% so với tháng trước.

Fed cân nhắc động thái chính sách tiền tệ tiếp theo

Báo cáo CPI lần này của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đứng trước một bước ngoặt quan trọng, khi giới chức Fed cân nhắc các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo. Các tính toán của Fed đều dựa nhiều vào tình hình lạm phát. Bản báo cáo cũng được công bố trước khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày vào rạng sáng ngày thứ Năm (13/6) theo giờ Việt Nam. Thị trường dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25-5,5% trong lần họp này, và quan tâm nhiều hơn đến tín hiệu mà Fed đưa ra về đường đi của chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Triển vọng về thời điểm Fed hạ lãi suất vẫn chưa rõ ràng

Sau khi báo cáo CPI được công bố, thị trường lãi suất tương lai tăng đặt cược khả năng vào việc Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9. Tuy nhiên, triển vọng về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất đã liên tục biến động trong thời gian gần đây, và giới chức Fed nhấn mạnh rằng họ cần có nhiều hơn 1-2 tháng dữ liệu lạm phát giảm trước khi có thể nới lỏng chính sách. “Cần phải có 3 tháng dữ liệu lạm phát rất thân thiện để Fed có thể giảm lãi suất vào tháng 9”, nhà kinh tế trưởng Joseph LaVorgna của công ty SMBC Nikko Securities nhận định với hãng tin CNBC. “Nếu Fed bắt đầu nới lỏng hoặc nói nhiều hơn về nới lỏng, tôi cho rằng Fed sẽ tự làm khó mình với mục tiêu đưa lạm phát về 2%”.

Fed có thể hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và nâng dự báo lạm phát

Sự dai dẳng của lạm phát đã khiến Fed giữ nguyên lãi suất kể từ lần tăng cuối cùng vào tháng 7/2023. Tại cuộc họp vào tháng 3, Fed dự báo có 3 lần giảm lãi suất trong năm nay, với tổng lượng giảm 0,75 điểm phần trăm. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo trong cuộc họp sắp kết thúc, cập nhật dự báo lãi suất của Fed sẽ chỉ cho thấy 1-2 lần giảm lãi suất trong năm nay. Ngoài ra, lần họp này, Fed cũng sẽ cập nhật các dự báo về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và thất nghiệp – tất cả đều có thể bị ảnh hưởng bởi báo cáo CPI mới nhất. Giới chuyên gia dự báo Fed sẽ nâng dự báo về lạm phát và hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế. Đối với Fed, thước đo lạm phát quan trọng nhất không phải là chỉ số CPI mà là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), nhưng CPI vẫn là số liệu nằm trong cân nhắc của Fed trong quá trình hoạch định chính sách tiền tệ.


Nguồn: https://vneconomy.vn

Xem bài viết gốc tại đây

Leave a Comment

Scroll to Top