Báo cáo thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2024: Cơ hội và thách thức
Theo báo cáo của Vietnam Report, gần 32% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 5,5% trong năm nay. Điều này tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngành bảo hiểm, bởi khi doanh nghiệp và người tiêu dùng tự tin hơn về triển vọng kinh tế, họ có xu hướng đầu tư và chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu mua bảo hiểm tăng lên. Kết quả khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp bảo hiểm của Vietnam Report trong giai đoạn tháng 5-6 vừa qua cho thấy, 45,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành bảo hiểm sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm 2024.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Tiềm năng và thách thức
Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm trên GDP tại Việt Nam hiện ở mức 2,3-2,8%, thấp hơn mức trung bình 3,35% của khối ASEAN, 5,37% của châu Á và 6,3% của thế giới. Nguyên nhân chính là do nhận thức về bảo hiểm của người dân chưa cao và thu nhập trung bình còn thấp so với các nước phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển.
Khủng hoảng niềm tin và cạnh tranh gay gắt
Khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2023 sẽ vẫn ảnh hưởng tới thị trường năm nay do uy tín thương hiệu bảo hiểm giảm sút, khách hàng mất niềm tin, thận trọng hơn khi tham gia bảo hiểm. Cạnh tranh trong ngành bảo hiểm cũng ngày càng lớn khi số lượng công ty tham gia thị trường không ngừng tăng, gồm cả trong nước và quốc tế. Năm ngoái, kênh bán hàng chủ lực của ngành bảo hiểm, bán chéo qua ngân hàng (bancassurance) gặp nhiều thông tin tiêu cực, dẫn đến sụt giảm doanh thu lần đầu tiên sau một thập kỷ tăng trưởng ổn định.
Doanh thu giảm và tỷ lệ hủy hợp đồng cao
Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm giảm 8,3% so với năm trước. Trong đó, mảng nhân thọ sụt tới 12,5%, phi nhân thọ tăng khiêm tốn 2,4%. Đây là năm đầu tiên trong 20 năm phát triển, bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tăng trưởng âm. Cùng đó, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trung bình ở thị trường Việt Nam sau năm thứ nhất vào khoảng 20-30%. Với kênh bancassurance, tỷ lệ này lên đến 73%. Việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững của thị trường, theo đánh giá của Vietnam Report.
Nguồn: https://vnexpress.net
Xem bài viết gốc tại đây