Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế doanh nghiệp từ lãi trái phiếu xanh và tín chỉ carbon

Mục tiêu bảo vệ môi trường và thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon

Trong dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập được miễn thuế nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Để thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và triển khai các chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp như Mexico, Ấn Độ, Mỹ… nhằm thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon và thị trường trái phiếu xanh. Ví dụ, tại Mỹ, thu nhập từ trái phiếu xanh do chính quyền địa phương phát hành được miễn thuế thu nhập. Một số quốc gia khác có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ carbon như Thái Lan.

Phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam

Phát triển thị trường tín chỉ carbon là giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022) đã có các quy định về tín chỉ carbon, cơ chế trao đổi, chuyển nhượng cũng như đề ra chủ trương Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển tín chỉ carbon. Luật Bảo vệ môi trường cũng có quy định về trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường. Chủ thể phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu xanh được hưởng các ưu đãi theo quy định và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đề xuất miễn thuế thu nhập từ trái phiếu xanh và tín chỉ carbon

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định miễn thuế thu nhập tiền lãi từ trái phiếu xanh, thu nhập chuyển nhượng trái phiếu xanh. Theo thống kê của Bộ Tài chính, quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam là hơn 3 triệu tỷ đồng. Nếu phát hành thành công trái phiếu xanh với quy mô chiếm 0,17% – 0,5% quy mô thị trường (tỷ lệ trung bình ở các nước là 0,05% – 0,65%) và mức lãi suất coupon khoảng 10%/năm, tương đương khối lượng phát hành khoảng từ 5.000-15.000 tỷ đồng và tiền lãi từ 500 – 1.500 tỷ đồng thì số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn khoảng từ 100 – 300 tỷ đồng. Bộ Tài chính đánh giá số giảm thu ngân sách nhà nước không phải là quá lớn, chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay.

Sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập được miễn thuế từ chứng chỉ giảm phát thải

Hiện tại, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định 11 loại thu nhập của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực là thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải. Bộ Tài chính nhận thấy bên cạnh chứng chỉ giảm phát thải (CERs) còn có chứng chỉ giảm phát thải tự nguyện (VERs). Hai loại chứng chỉ này đều giống nhau ở mục tiêu là khuyến khích bảo vệ môi trường thông qua việc giảm phát thải carbon, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới sự phát triển xanh và bền vững. Tuy nhiên, hai loại chứng chỉ này có khác nhau về tiêu chuẩn đăng ký, hình thức giao dịch và giá trị giao dịch. Hiện nay, chỉ có thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) được miễn thuế, còn thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải tự nguyện (VERs) không được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp để bao quát được thu nhập từ chuyển nhượng các loại chứng chỉ giảm phát thải được miễn thuế.

Nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Trong quy định tại khoản 10 Điều 4 dự thảo Luật về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi theo hướng: “10. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs), chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ carbon; thu nhập từ tiền lãi trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành”.


Nguồn: https://vneconomy.vn

Xem bài viết gốc tại đây

Leave a Comment

Scroll to Top