Đầu tư vào đâu lãi nhất nửa đầu năm?

Bitcoin: Tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm

Theo CoinMarketCap, Bitcoin (BTC) đã đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/6 với mức giá hơn 62.678 USD, tăng khoảng 48,3% so với cuối năm 2023. Hiệu suất này vượt xa vàng nhẫn (gấp 2 lần), chứng khoán (gấp 4 lần) và tiền gửi tiết kiệm (gấp 19 lần).

Trong nửa đầu năm, Bitcoin đã có một chu kỳ tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là sau khi các quỹ ETF Bitcoin được phê duyệt tại Mỹ vào cuối tháng 1. Mặc dù có những biến động ngắn hạn, vốn là đặc tính của các tài sản rủi ro, Bitcoin đã tăng liên tục từ dưới 40.000 USD lên mức cao nhất mọi thời đại, trên 73.750 USD vào giữa tháng 3. Kết thúc quý I, đồng tiền này đạt hiệu suất 68,7%. Tuy nhiên, sang quý II, Bitcoin giảm 12% do áp lực chốt lời mạnh từ giữa tháng 4. Dù vậy, Bitcoin vẫn dao động quanh mức 60.000-70.000 USD.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng đà chững lại này không quá bất ổn vì đây là biến động vốn có của tiền số. Theo dữ liệu từ Coinglass, trong những năm trước, bất cứ khi nào tháng 6 kết thúc trong xu hướng giảm, tháng 7 lại chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ với mức tăng trung bình 7,42%. Tuy nhiên, giới phân tích cũng lưu ý về áp lực ở nửa cuối năm, trước mắt là đợt xả hàng của chính phủ Đức và lùm xùm quanh cú sập của sàn giao dịch Mt. Gox. Markus Thielen – nhà sáng lập công ty nghiên cứu thị trường 10x Research – dự đoán Bitcoin có thể giảm xuống còn 50.000 USD, trường hợp xấu nhất là 45.000 USD.

Vàng: Tăng trưởng tốt, nhưng chênh lệch giữa vàng miếng và vàng nhẫn thu hẹp

Giá vàng nhẫn đã tăng từ 62,95 triệu đồng một lượng vào cuối năm 2023 lên 75,55 triệu đồng vào cuối tháng 6. Trong nửa đầu năm, vàng nhẫn đã có ba đợt tăng giá mạnh, liên tục lập kỷ lục mới, với mức cao nhất là 77,45 triệu đồng một lượng.

Trong khi vàng miếng đứng im, vàng nhẫn vẫn có nhiều phiên tích lũy liên tiếp nhờ trợ lực từ giá thế giới và sự thay đổi hành vi của người dân khi chênh lệch giữa hai loại vàng thu hẹp. Đến cuối quý II, giá vàng nhẫn chỉ còn cách SJC khoảng 1,43 triệu đồng mỗi lượng.

Ông Nguyễn An Huy, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân thuộc Công ty FIDT, giải thích giá vàng nhẫn trơn từ trước tới nay không chênh nhiều và luôn biến động đồng pha với thị trường toàn cầu. Vàng thế giới đã tăng khoảng 13% tính từ đầu năm, kéo theo giá vàng nhẫn trong nước nhảy vọt.

Vàng miếng SJC chốt ở 74 triệu đồng mỗi lượng vào cuối năm ngoái. Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước mở đấu thầu vàng miếng vào cuối tháng 4, nhưng diễn biến giá lại tiếp tục căng thẳng khi vượt 76 triệu đồng một lượng vào tháng 5, mức cao nhất mọi thời đại. Chênh lệch với giá thế giới neo ở mức cao, có thời điểm hơn 20 triệu đồng một lượng.

Sau 9 phiên đấu thầu, có 6 phiên thành công, với hơn 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường. Tuy nhiên, giải pháp này chưa hiệu quả, không đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch vàng miếng trong nước và thế giới. Sau đó, nhà chức trách dừng đấu thầu và chuyển sang bán trực tiếp vàng miếng qua 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) và Công ty SJC vào đầu tháng 6. Từ đó, kim loại quý trong nước “đổ đèo”, về 76,98 triệu đồng và duy trì đến hết quý II.

Kịch bản Ngân hàng Nhà nước bình ổn giá vàng thành công đã được nhiều bên dự báo từ trước. Thêm vào đó, tâm lý người dân cũng dần thay đổi khi đã nắm rõ bản chất vàng miếng thương hiệu và nhẫn trơn có chất lượng như nhau, chỉ khác về hình thức bên ngoài. Ông Nguyễn An Huy dự báo chênh lệch giữa vàng miếng SJC và nhẫn trơn sắp tới duy trì 1-3 triệu đồng mỗi lượng. “Các nhà đầu tư thay vì tập trung dự báo giá vàng, nên theo dõi chênh lệch giữa vàng miếng và nhẫn trơn để có cách đầu tư phù hợp”, ông lưu ý.

Chứng khoán: Tăng trưởng tốt, nhưng có dấu hiệu điều chỉnh

Nửa đầu năm nay, kênh đầu tư chứng khoán tăng khoảng 10%. Từ mức 1.130 điểm hồi cuối năm, VN-Index cải thiện khi tâm lý thị trường dần lạc quan. Cuối tháng 3, chỉ số đại diện sàn HoSE đạt mốc 1.280 điểm, nhiều cổ phiếu tăng bằng lần và đạt đỉnh giá.

Tuy vậy, trước những số liệu thực tế về nền kinh tế không như kỳ vọng của quý I, VN-Index vào nhịp điều chỉnh, nặng nề nhất là phiên giao dịch vào giữa tháng 4. VN-Index phục hồi dần từ nửa sau tháng 5 và vượt mốc 1.300 điểm khoảng một tháng sau đó.

Tuy nhiên, những ngày cuối quý II, chỉ số này rút về quanh 1.245 điểm. Theo ông Nguyễn Hoàng Giang – Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán DNSE, đợt điều chỉnh hiện tại không đáng lo ngại quá nhiều vì triển vọng thị trường vẫn xán lạn. Quan điểm tích cực của ông đưa ra dựa trên mức tăng trưởng GDP nửa đầu năm và xuất siêu đang tốt, lần lượt là 6,42% và trên 11,6 tỷ USD. “Đây là những nền tảng cơ bản cho nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội mua được cổ phiếu giá tốt trong tình hình hiện nay. Đến cuối năm, VN-Index sẽ trên 1.300 điểm”, ông Giang dự đoán.

Tiền gửi tiết kiệm: Lãi suất thấp, chưa thu hút nhà đầu tư

Mặt bằng lãi suất của các nhà băng đưa ra vào đầu năm cho kỳ hạn 6 tháng (3-5% cho một năm, tức trong nửa đầu năm nay nhận lãi 1,5-2,5%). Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh và số ít nhà băng khác trả lãi quanh 3%, đa số đơn vị trên thị trường đều trả từ 4% trở lên, mức cao nhất là 5,15% một năm.

Xu hướng áp đảo trong 6 tháng qua là giảm hoặc duy trì lãi tiền gửi, các nhà băng chỉ rục rịch điều chỉnh từ giữa tháng 4 đến nay. Tuy nhiên mức tăng không mạnh và tập trung ở kỳ hạn dài (gửi tiết kiệm 12 tháng đang có lãi cao nhất gần 6%).

Theo chuyên gia, động thái trên nhằm cân bằng với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng thời gian qua.

Bất động sản: Dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa “rã băng” hoàn toàn

Trong các kênh đầu tư phổ biến còn có bất động sản. Tuy nhiên, kênh này chưa có chỉ số mang tính đại diện để có thể so sánh cùng hệ quy chiếu. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng dần với mức cải thiện gần 30% so với cuối năm. Đất nền, chung cư và nhà riêng phục hồi tốt hơn bất động sản nghỉ dưỡng hay biệt thự.

Nhìn chung, thị trường địa ốc dần có dấu hiệu nhích lên nhờ trợ lực lớn từ môi trường lãi suất thấp và các động thái gỡ pháp lý của cơ quan quản lý, nhưng vẫn chưa “rã băng” hoàn toàn. Các chuyên gia VARS khuyên nhà đầu tư cần chuẩn bị dòng tài chính bền vững, ổn định và xem xét kỹ pháp lý dự án và quy hoạch địa phương nếu muốn tham gia thị trường.


Nguồn: https://vnexpress.net

Xem bài viết gốc tại đây

Leave a Comment

Scroll to Top