Bắt đáy yếu ớt, khối ngoại xả ròng hơn 670 tỷ, nhóm chứng khoán gây bất ngờ

Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm, dòng tiền bắt đáy yếu ớt

Phiên chiều nay, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm, với VN-Index tạo đáy sâu mới. Dù giao dịch đã ổn định hơn từ khoảng 2h chiều, dòng tiền bắt đáy vẫn xuất hiện thụ động, chỉ chờ lượng xả từ bên bán. Điều này khiến giá hầu hết cổ phiếu không thể cải thiện, trong khi thanh khoản vẫn duy trì mức thấp. VN-Index tạo đáy thấp nhất phiên lúc 1h40, giảm 12,5 điểm so với tham chiếu và đóng cửa giảm 10,18 điểm (-0,81%). So với mức giảm cuối phiên sáng (-9,06 điểm), chênh lệch cuối ngày không nhiều, phản ánh khả năng giữ giá vùng thấp tạm thời ổn định. Tuy nhiên, thị trường không có nhịp hồi nào và rất ít cổ phiếu xuất hiện diễn biến đẩy giá lên.

Thanh khoản thấp, giá cổ phiếu dao động kém tin cậy

Thống kê cho thấy sàn HoSE lúc đóng cửa có khoảng 150 cổ phiếu xuất hiện giá phục hồi từ 1% so với mức thấp nhất, tương đương 40,9% số mã có phát sinh giao dịch trong ngày. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thanh khoản, chỉ có 50 mã đạt giá trị khớp lệnh từ 10 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ chỉ còn 13,7%. Các cổ phiếu giao dịch ít về lý thuyết sẽ dễ kéo giá lên trong đợt ATC, nhưng thanh khoản quá nhỏ cũng đồng nghĩa với dao động giá kém tin cậy.

Nhóm cổ phiếu blue-chips gây áp lực lớn lên thị trường

Nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn là sức ép chính lên toàn bộ thị trường phiên này. Mức giảm mạnh của chỉ số bẽ gãy các ý định đuổi giá cũng như thúc đẩy nhu cầu bán ra nhiều hơn. VN30-Index đóng cửa giảm 0,98% với 4 mã tăng/24 mã giảm. Điểm số có thể còn tệ hơn nữa nếu VHM không được kéo trở lại tham chiếu về cuối. Cổ phiếu này có tín hiệu trụ lại quanh giá 41.000 đồng cũng là mức thấp nhất của nhịp điều chỉnh đầu tháng 10. Thanh khoản tại VHM cũng lớn nhất thị trường với 813,6 tỷ đồng, trong đó khối ngoại xả ròng 203 tỷ đồng.

Nhóm chứng khoán xuất hiện điểm sáng, nhưng ảnh hưởng hạn chế

So với giá chốt buổi sáng, nhiều cổ phiếu trong rổ VN30 cũng có phục hồi nhất định nhưng đa phần là kém. Ngoài VHM, chỉ có SSI là gây bất ngờ khi lấy lại được tới 1,35% và đảo chiều vượt tham chiếu 0,19%. Nhóm chứng khoán cũng có thêm một số “ngựa ô” khác như FTS tăng 4%, MBS tăng 2,17%, HCM tăng 2,11%, VCI tăng 1,47%, BSI tăng 1,49%. Tuy nhiên nhóm chứng khoán không có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nên ảnh hưởng tới chỉ số rất hạn chế.

Ngân hàng tiếp tục yếu, áp lực bán rất mạnh

Ngược lại, cổ phiếu blue-chips bao gồm nhiều mã ngân hàng lớn lại quá yếu phiên này. VPB giảm 2,23%, VCB giảm 1,07%, TCB giảm 1,05%, TPB giảm 2,93%, EIB giảm 4,83%, HDB giảm 1,98%, MSB giảm 2,49%, VIB giảm 1,86%… mã nào cũng khớp hàng trăm tỷ đồng thanh khoản. Đây là tín hiệu rõ ràng về áp lực bán rất mạnh. Trong toàn nhóm ngân hàng, duy nhất CTG tăng nhẹ 0,28%, còn lại 24 mã khác giảm giá với 16 mã giảm quá 1%.

Khối ngoại bán ròng mạnh, áp lực rút vốn lớn

Nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh bán ra trong phiên chiều, xả thêm khoảng 1.122 tỷ đồng nữa trên sàn HoSE, tăng 24% so với phiên sáng. Mức ròng lên tới 393,1 tỷ đồng và cả phiên là 673,1 tỷ đồng. MSN, VHM và FPT tiếp tục hứng chịu áp lực lớn từ khối ngoại. MSN bị bán ròng tới 245,6 tỷ đồng cả ngày, VHM -203 tỷ và FPT -101,1 tỷ. Ngoài ra DXG, PVD, DCM, VCB, SSI cũng bị bán ròng mạnh trong khoảng 30-40 tỷ đồng. Phía mua vào có STB +83,5 tỷ, MWG +63,3 tỷ, TCB +45,1 tỷ, CTG +24,3 tỷ, VPB +33,5 tỷ. Đợt bán ròng của khối ngoại tuy không lớn bằng giai đoạn tháng 4 tới tháng 7 vừa qua khi tỷ giá căng thẳng nhất nhưng hiện cũng đã kéo dài tới gần một tháng. Ngay cả khi không tính tới các giao dịch bất thường như với VIB thì áp lực rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng rất lớn. Tính chung 10 tháng tổng giá trị bán ròng trên 3 sàn đã lên tới hơn 75.000 tỷ đồng trong khi cả năm 2023 chỉ là hơn 23.300 tỷ. Riêng khớp lệnh khối này đã bán ròng 10 tháng khoảng 61.000 tỷ đồng.


Nguồn: https://vneconomy.vn

Xem bài viết gốc tại đây

Leave a Comment

Scroll to Top