Cần sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập để tăng cường hiệu lực xử lý vi phạm
Sau nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, điển hình như vụ án Ngân hàng Sài Gòn – SCB, Bộ Tài chính nhận định các quy định hiện hành về xử lý vi phạm kiểm toán độc lập chưa đủ sức răn đe và có nhiều kẽ hở. Các doanh nghiệp kiểm toán đều “không sợ và không ngại vi phạm quy định của Luật kiểm toán độc lập cũng như các văn bản hướng dẫn”. Do đó, Bộ Tài chính cho biết cần sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập nhằm bổ sung hình thức xử phạt và tăng mức độ xử lý đối với kiểm toán viên, doanh nghiệp vi phạm.
Nâng cao mức độ xử phạt và thời hiệu xử lý
Bộ Tài chính đề xuất nâng thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập lên 10 năm, thay vì 1 năm như quy định hiện hành. Hiện nay, hầu hết trường hợp khi phát hiện vi phạm đều đã hết thời hiệu, nên không thể xử phạt. Đồng thời, Bộ cũng muốn tăng mức phạt tối đa với tổ chức vi phạm từ 100 triệu đồng lên 3 tỷ đồng, với cá nhân từ 50 triệu đồng lên 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán… Cá nhân vi phạm quy định của Luật này tùy theo tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mở rộng đối tượng kiểm toán bắt buộc
Dự thảo mới nhất của Luật Kiểm toán độc lập cũng bổ sung các đối tượng thuộc diện kiểm toán bắt buộc. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn phải thực hiện kiểm toán bắt buộc theo quy định của Chính phủ để đảm bảo phù hợp với Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2023. Doanh nghiệp, tổ chức có giao dịch phức tạp, số lượng lao động lớn, doanh thu hoạt động cao, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế,… cũng phải được kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm nhằm minh bạch thông tin tài chính.
Nguồn: https://vnexpress.net
Xem bài viết gốc tại đây