Chặn sai phạm trong kiểm toán độc lập để bảo vệ nhà đầu tư
Sau những vi phạm của đơn vị kiểm toán độc lập tại một số vụ việc, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng nặng hình thức xử phạt với những cá nhân, tổ chức vi phạm trong tờ trình sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập. Giới phân tích đánh giá đây là biện pháp nghiêm khắc nhằm đưa hoạt động kiểm toán độc lập vào nề nếp và chuyên nghiệp hơn.
Thấy gì từ những sự việc trong quá khứ?
Các sai phạm được đưa ra ánh sáng trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, FLC… đều cho thấy những tồn tại trong hoạt động kiểm toán độc lập. Chẳng hạn, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, ba đơn vị kiểm toán cho ngân hàng SCB trong vòng 10 năm đều thuộc nhóm Big 4 (lớn nhất). Tuy nhiên, các kiểm toán viên thuộc ba đơn vị dường như không phát hiện vấn đề bất thường. Nội dung kết luận của kiểm toán viên tại các kỳ báo cáo phần lớn đều là “không thấy có vấn đề gì”, “phản ánh trung thực”, phù hợp với chuẩn mực kế toán… Thậm chí, tại vụ án ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC thao túng thị trường chứng khoán, một số lãnh đạo, nhân viên thuộc các đơn vị kiểm toán bị cơ quan điều tra xác định là đã cố ý làm sai báo cáo tài chính cho Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, một đơn vị thuộc “hệ sinh thái FLC” do đây là khách hàng lớn và thường xuyên của đơn vị.
Nhìn lại những vụ việc trên, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, với những sai phạm theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” thì kiểm toán không thể vô can. Chẳng hạn, việc khai khống tài khoản tiền mặt hoặc khai khống các giá trị tài sản góp vào công ty để tăng vốn ảo rất dễ bị phát hiện, khi có đơn vị kiểm toán vào cuộc. Thế nhưng, hầu hết các sự việc lại không bị phát hiện trong thời gian dài, cho thấy trách nhiệm khá lớn từ công ty kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết. “Kiểm toán làm việc trên hồ sơ, bằng chứng do doanh nghiệp cung cấp nhưng bằng nghiệp vụ, kinh nghiệm, họ chắc chắn có thể phát hiện một số bất thường, chứng từ có rủi ro, nghi ngờ. Nhiệm vụ kiểm toán là thu thập, đánh giá, xác thực các bằng chứng, việc ‘bỏ lọt’ bất thường gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, Nhà nước”, ông Huân nói và cho rằng, qua các đã vụ việc xảy ra, cần đặt trách nhiệm của công ty kiểm toán trước pháp luật ở mức cao hơn, xem xét xử lý nếu thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng. “Cần xem xét trách nhiệm của công ty kiểm toán tới đâu, liệu có liên đới. Như vụ án Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm các công ty kiểm toán cho SCB hơn 10 năm”, ông nói.
Cần thêm cơ chế kiểm soát ngoài luật
Để hạn chế rủi ro trong hoạt động kiểm toán độc lập, trong tờ trình dự thảo 1 luật sửa đổi 7 luật, Bộ Tài chính đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập theo hướng bổ sung các hình thức xử phạt như: đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán, không tiếp tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, không tiếp tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán. Ngoài ra, thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập dự kiến nâng lên 10 năm, thay vì 1 năm như quy định hiện hành. Với riêng phạt tiền, dự thảo nâng mức phạt tiền tối đa từ 100 triệu đồng lên 3 tỉ đồng với tổ chức, từ 50 triệu đồng lên 1,5 tỉ đồng với cá nhân vi phạm.
Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng cơ quan quản lý có thể bổ sung một quy định với hoạt động kiểm toán độc lập, như kiểm toán chéo, có đơn vị Nhà nước kiểm toán tiếp. Lý do là trong thực tế, có những vụ việc như SCB, quy trình kiểm toán có sự tham gia của các công ty kiểm toán độc lập hàng đầu thế giới, thanh tra Ngân hàng Nhà nước… là khá chặt chẽ nhưng vẫn phát sinh tiêu cực do vấn đề con người, tham ô, hối lộ.
Vai trò của truyền thông độc lập
Bên cạnh những yếu tố trên, các chuyên gia cho rằng truyền thông độc lập và chuyên ngành cũng có vai trò quan trọng trong việc chia sẻ thông tin, phân tích và đưa ra cảnh báo với thị trường, cơ quan quản lý và nhà đầu tư.
Nguồn: https://vietstock.vn
Xem bài viết gốc tại đây