Dự báo lợi nhuận Q3/2024 phục hồi mạnh, mở ra triển vọng tích cực cho thị trường chứng khoán
Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán BSC, lợi nhuận quý 3 năm 2024 dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ. Dựa trên kết quả kinh doanh của quý 2 và quý 3, BSC nhận định rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, với mức tăng dự kiến khoảng từ 16-20% YoY.
Những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận
Sự phục hồi lợi nhuận được thúc đẩy bởi một số yếu tố chính. Thứ nhất, mức nền lợi nhuận của một số ngành trong quý 3 năm 2023 như Ngân hàng, Bán lẻ, Hóa chất, Tiện ích, Vật liệu xây dựng, Tài nguyên cơ bản ở mức thấp. Thứ hai, doanh thu tiếp tục được cải thiện nhờ lượng đơn hàng phục hồi (PMI tháng 8 duy trì ở mức 58,4 điểm), và biên lợi nhuận dự kiến sẽ phục hồi do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm đi kèm với sức mua dần phục hồi. Thứ ba, chi phí lãi vay sẽ ở mức thấp hơn cùng kỳ, điều này đã được phản ánh trong quý 2 năm 2024. Cuối cùng, chi phí lỗ tỷ giá và chi phí tài chính khác ghi nhận mức tăng đột biến trong quý 2 năm 2024, tuy nhiên đến ngày 30/9/2024, tỷ giá chỉ ghi nhận mức 1,31% YTD so với mức 4,31% tại ngày 30/6/2024. Do đó, kỳ vọng các doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ tỷ giá lớn trong quý 2 năm 2024 sẽ được ghi nhận lại mức lãi tỷ giá trong quý 3 năm 2024.
Tăng trưởng lợi nhuận 2025F và định giá là yếu tố cốt lõi
BSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 và định giá ở mức hợp lý sẽ là yếu tố cốt lõi để lựa chọn cổ phiếu. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường đạt >15% YoY nhờ sản lượng, biên lợi nhuận phục hồi, lãi tỷ giá và chi phí lãi vay được tiết giảm so với cùng kỳ. Nền kinh tế bắt đầu phục hồi, tăng trưởng tín dụng tích cực dự kiến đạt 14-15% năm 2025 đi kèm với mức nền lợi nhuận Q3/2023 thấp ở một số ngành như Ngân hàng, Tài nguyên cơ bản, Hóa chất, Tiện ích, Bán lẻ, Xây dựng và Vật liệu. Theo đó, tăng trưởng EPS năm 2025 dự kiến đạt ~20% là động lực thúc đẩy sự đi lên của VN-Index.
Dư địa tăng VN-Index từ chênh lệch E/P 2025 và lãi suất tiết kiệm
Mức chênh lệch E/P 2025 và lãi suất tiết kiệm sẽ được nới rộng tạo dư địa tăng VN-Index. So sánh tỷ suất sinh lời của thị trường và lãi suất gửi tiết kiệm là công cụ chỉ báo uy tín, BSC nhận thấy điều kiện cần để hình thành xu hướng tăng trung và dài hạn thị trường đến từ (1) Tỷ suất sinh lời của thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác, và điều kiện đủ là (2) EPS duy trì tốc độ tăng nhằm đảm bảo tỷ suất sinh lời kỳ vọng tiếp tục duy trì mức hấp dẫn, tương tự đã xảy ra thời điểm 2015-2016, 2020-2021.
Ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong giai đoạn 2023-2025
Đội ngũ phân tích nhận thấy giai đoạn 2023-2025 sẽ khá tương đồng với giai đoạn 2015-2016, ngoài ra tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2025 sẽ chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi thay vì có sự đóng góp của các chi phí tài chính (môi trường lãi suất cho vay giảm) và thanh lý các tài sản khác. Thu hẹp chênh lệch định giá giữa nhóm Bluechip và nhóm Mid-Small cap. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì hiệu suất vượt trội hơn nhóm Mid-small cap cho đến khi tăng trưởng lợi nhuận nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bắt kịp trong năm 2025. Khuyến nghị ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn 1H2025 và 2H2025 là cơ hội cho các cổ phiếu vừa và nhỏ.
Định giá phản ánh sự tăng trưởng trong 2024
Định giá phản ánh sự tăng trưởng trong 2024 – Nhìn sang năm 2025 để tìm cơ hội – P/E được chú trọng hơn và P/B sẽ là chặn dưới khi thị trường biến động mạnh. Bên cạnh đó, BSC cho rằng “gió đảo chiều” ở xu hướng dòng tiền khối ngoại và kỳ vọng nâng hạng thị trường 2025. Các ngân hàng TW bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy yếu … Dẫn đến sự đảo ngược dần dòng vốn sang các khu vực thị trường mới nổi có định giá và câu chuyện hấp dẫn cũng như giảm áp lực rủi ro tỷ giá với các nước EM. Ưu tiên các cổ phiếu có vốn hóa lớn cho câu chuyện trên như HPG, VHM, VNM, VIC, MSN, SSI, VCB, VRE, VND, DGC.
Nguồn: https://cafef.vn
Xem bài viết gốc tại đây