Thị trường chứng khoán thế giới chững lại
Tuần qua, thị trường chứng khoán thế giới đã chứng kiến sự chững lại khi căng thẳng địa chính trị leo thang. Trong khi thị trường Mỹ gần như đi ngang, các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á đều giảm điểm. Ngược dòng chứng khoán thế giới là thị trường Hồng Kông với tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp.
Chứng khoán Trung Quốc hút vốn khỏi các thị trường Châu Á
Sự dịch chuyển vốn đã bắt đầu được ghi nhận khi chứng khoán Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan bị thoái vốn ròng trong tuần trước. Ngân hàng BNP Paribas SA cho biết hơn 20 tỷ USD đã được rút khỏi thị trường chứng khoán Nhật trong 3 tuần đầu tiên của tháng 9.
Thị trường Việt Nam điều chỉnh giảm
Thị trường trong nước điều chỉnh giảm sau 3 lần nỗ lực vượt ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm không thành công. Chốt tuần, chỉ số Vn-Index dừng ở 1.270,60 điểm, giảm -20,32 điểm, tương đương sụt -1,57%. Áp lực giảm diễn ra trên diện rộng, chỉ số Vn30 chủ yếu là nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn lùi -1,21%. Nhóm Midcap và Smallcap cũng giảm lần lượt -1,99% và -1,69%. Khối ngoại cũng giảm giao dịch và chỉ bán ròng nhẹ -93 tỷ đồng. Thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần vừa qua đạt 20.730 tỷ đồng, giảm -3,6% so với tuần trước đó. Đáng chú ý ở những phiên điều chỉnh với biên độ, thanh khoản đều ở mức cao. Mặc dù giảm so với tuần trước đó, thanh khoản tuần vừa qua vẫn ở mức cao thứ 2 trong vòng hơn 2 tháng trở lại đây.
Phân tích thị trường tuần này
Chứng khoán MBS nhận định tâm lý nhà đầu tư có phần sụt giảm khi có tới 3 lần nỗ lực vượt đỉnh 1.300 điểm không thành công của chỉ số Vn-Index. Thanh khoản tuần vừa qua cũng tăng đáng kể cho thấy nguy cơ điều chỉnh là cao, tuy vậy nhịp điều chỉnh này mang nhiều yếu tố kỹ thuật hơn là các yếu tố cơ bản. Thị trường đang có thông tin hỗ trợ gồm Bất chấp siêu bão Yagi, GDP quý 3/2024 vẫn tăng 7,4%. GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2023 (4,4%). MBS dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt mức tăng 19,5% so với cùng kỳ trong Q3/2024 hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, tỷ giá giảm mạnh, sản xuất & tiêu dùng đang trên đà phục hồi. Lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ (Q2/24: 19,5% so với cùng kỳ). Các ngành đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật gồm bán lẻ tăng 381%, năng lượng tăng 321%, Bất động sản khu công nghiệp tăng 169% từ nền thấp cùng kỳ. Một số ngành ước tính tăng trưởng lợi nhuận giảm như Bất động sản giảm 3% so với cùng kỳ do còn thiếu vắng các dự án mở bán hay dầu khí giảm 11% do kết quả kém tích cực ở nhóm doanh nghiệp hạ nguồn.
FTSE nâng hạng thị trường Việt Nam
Kết thúc kỳ đánh giá xếp hạng tháng 9/2024, FTSE Russell sẽ đưa ra công bố chính thức sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên ngày 08/10 sắp tới. Về kỹ thuật chỉ số Vn-Index đã để mất ngưỡng MA20, nhịp điều chỉnh có thể đưa chỉ số này kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.258 – 1.260 điểm. Đây sẽ là vùng hỗ trợ quan trọng đối với chỉ số Vn–Index trong ngắn hạn, nơi có mặt của đường MA50 và đường xu hướng tăng giá nối đáy tháng 8 và đáy tháng 9 vừa qua. Trong kịch bản cơ sở, vùng cân bằng cho nhịp điều chỉnh sẽ ở khu vực 1.260 điểm, kịch bản thận trọng xảy ra khi vùng hỗ trợ này bị xuyên thủng, vùng hỗ trợ cho thị trường sẽ là đáy tháng 9 vừa qua ở 1.240 điểm. Với các thông tin hỗ trợ như trên, nhiều khả năng thị trường sẽ có nhịp hồi kỹ thuật ở vùng 1.260 điểm. MBS khuyến nghị cơ hội đầu tư đối với các cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh quý 3 khả quan.
Nhận định của VnDirect
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect cho rằng: Đúng như nhận định, chỉ số Vn-Index đã đối mặt với áp lực chốt lời gia tăng mạnh mẽ khi tiếp cận vùng kháng cự 1.300 điểm và quay đầu giảm điểm trong tuần vừa qua. Nhịp điều chỉnh của thị trường còn chịu tác động từ việc tỷ giá USD/VND liên ngân hàng quay đầu tăng trở lại lên mức 24.750 và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng vượt mốc 4%. Trong tuần tới, chỉ số VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm (+/- 10 điểm). Kỳ vọng dòng tiền bắt đáy sẽ xuất hiện tại vùng này và chỉ số VN-Index ít khả năng điều chỉnh sâu hơn vùng này. Trong trung hạn, quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm nhờ chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu mới chỉ bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền trong những tháng cuối năm, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 3 và quý 4 năm nay, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và mức nền so sánh thấp trong nửa cuối năm 2023. “Do đó, nhà đầu tư đã kịp chốt lời cổ phiếu tại vùng 1.290-1.300 điểm như khuyến nghị có thể xem xét giải ngân trở lại, ưu tiên các mã cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực và định giá còn hấp dẫn trong những ngành như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và dầu khí”, vị này nhấn mạnh.
Nguồn: https://vneconomy.vn
Xem bài viết gốc tại đây