Việt Nam: Nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng
Theo số liệu từ IMF, Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, trong đó một nửa dưới 32 tuổi, đã đạt được mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người ấn tượng với tỷ suất CAGR 7,1% từ năm 2017, đạt hơn 4.000 đô la Mỹ vào năm 2022 – mức cao nhất trong số các nước ASEAN/EM. Với lực lượng lao động dần chuyển sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tham gia vào tầng lớp trung lưu trong vài năm tới. Điều này đã và đang tạo ra thời kỳ vàng của tăng trưởng tiêu dùng cũng như cổ phiếu ngành tiêu dùng tại Việt Nam.
Tăng trưởng tiêu dùng mạnh mẽ
Theo cập nhật từ Tổng cục Thống kê (GSO), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Du lịch phục hồi ấn tượng
Nhờ hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi và các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5/2024, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) cũng cho thấy tín hiệu tích cực. Theo số liệu từ GSO, sản xuất công nghiệp tháng năm tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số IIP tháng 5/2024 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) mới nhất của S&P Global cũng cho thấy Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất của Việt Nam không thay đổi khi đạt 50,3 trong tháng 5, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành đã cải thiện nhẹ tháng thứ hai liên tiếp.
Chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp kích thích tăng tổng cầu, trong đó kích cầu tiêu dùng nội địa là một trong những giải pháp quan trọng. Cải cách tiền lương và giảm thuế VAT là những quyết sách gần đây được triển khai nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Trong năm 2023, GDP của Việt Nam đã tăng 5,05%, đạt 430 tỉ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao. Chính phủ cũng đã dành được khoảng 680.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
Tập đoàn Masan: Hưởng lợi từ tăng trưởng tiêu dùng
Tập đoàn tài chính quốc tế HSBC nhận định rằng, các mảng kinh doanh của Tập đoàn Masan hiện có triển vọng phát triển tích cực trong thời gian tới. Với vị thế hàng đầu ngành tiêu dùng bán lẻ, Masan hứa hẹn sẽ gặt hái những kết quả tích cực trong năm nay, hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và tăng trưởng tiêu dùng nội địa.
Nguồn: https://cafef.vn
Xem bài viết gốc tại đây