Khách sạn Sài Gòn (SGH) chi gần hết lợi nhuận để trả cổ tức kỷ lục
Ngày 12/7 tới đây sẽ là ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại của các năm trước và năm 2023 bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 47,6% (tương ứng 1 cổ phiếu nhận về 4.760 đồng). Đây là mức trả cổ tức kỷ lục bằng tiền mà doanh nghiệp thực hiện từ trước tới nay. SGH dự kiến thanh toán cổ tức vào ngày 23/7/2024.
Lợi nhuận chưa phân phối gần như “bốc hơi” sau đợt chia cổ tức
Tại thời điểm cuối năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 61 tỷ đồng. Với hơn 12 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Khách sạn Sài Gòn sẽ phải chi gần 60 tỷ đồng để thanh toán đợt cổ tức kỷ lục này, đồng nghĩa với việc dốc gần hết lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức.
Hai cổ đông lớn nhận về hàng chục tỷ đồng cổ tức
Về cơ cấu cổ đông, tại thời điểm 31/12/2023, SGH có 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Du Lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist, tỷ lệ sở hữu 38,86%) và CTCP Bông Sen (tỷ lệ sở hữu 8,93%). Như vậy, Saigontourist và Bông Sen sẽ nhận về lần lượt 23 tỷ và hơn 5 tỷ đồng tiền cổ tức.
Bóng dáng Vạn Thịnh Phát xuất hiện trong cổ đông lớn của SGH
Đáng lưu ý, cổ đông lớn Bông Sen nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan tới trái phiếu của Vạn Thịnh Phát mà Bộ Công an đã công bố. Bông Sen hiện đang chậm trả 4.800 tỷ nợ gốc và hơn 1.060 tỷ lãi trái phiếu. Lô trái phiếu này được phát hành từ tháng 10/2021 do Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thu xếp, tổng dư nợ 4.800 tỷ, lãi suất 10,5%/năm và có kỳ hạn trả lãi định kỳ 3 tháng một lần. Mục đích phát hành lô trái phiếu để góp vốn hợp tác với Công ty TNHH Vina Alliance cho dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ và căn hộ tại 152 Trần Phú. Tuy nhiên, dự án bị thanh tra và thu hồi. Bóng dáng của Vạn Thịnh Phát xuất hiện tại lô trái phiếu kể trên khi mà hai đơn vị thu mua sơ cấp để phát hành thứ cấp cho nhà đầu tư nhỏ lẻ là TVSI và Công ty Tân Thành Long An, cả 2 đơn vị này đều liên quan tới Vạn Thịnh Phát.
Bông Sen Corporation: Từ thương vụ thâu tóm Daeha đến việc sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng
Vào năm 2015, Bông Sen nổi lên với thương vụ chi hơn 3.600 tỷ đồng để mua lại hơn 51% vốn CTCP Daeha – doanh nghiệp sở hữu tổ hợp khách sạn Daewoo Hà Nội và cao ốc văn phòng Daeha tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Doanh nghiệp này cũng từng thâu tóm Công ty cổ phần Saigon One Tower – chủ đầu tư tòa nhà cùng tên đã “đắp chiếu” suốt nhiều năm. Bông Sen Corporation được biết đến như một đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, du lịch. Công ty sở hữu và quản lý hàng loạt những thương hiệu đã tạo được dấu ấn sâu sắc đối với khách hàng trong và ngoài nước như Khách sạn Palace Saigon, Khách sạn Bông Sen Saigon, Khách sạn Bông Sen Annex, nhà hàng Vietnam House, Lemongrass, Calibre, Bier Garden, Buffet Gánh Bông Sen, bánh Brodard với hệ thống 18 cửa hàng, lữ hành Lotus Tours.
Nguồn: https://cafef.vn
Xem bài viết gốc tại đây