Giá Ure hồi phục, lợi nhuận nhóm phân bón dự báo tăng mạnh trong năm 2024, cổ phiếu “thơm” trở lại?

Tổng quan thị trường phân bón Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Việt Nam ước đạt 11 triệu tấn mỗi năm, bao gồm nhiều loại như urê, DAP, NPK, Kali. Trong đó, phân urê đóng vai trò chủ đạo với tổng công suất sản xuất ước đạt 3 triệu tấn/năm, chủ yếu sử dụng nguyên liệu khai thác trong nước từ các mỏ khí như Bạch Hổ, Nam Côn Sơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu đối với phân kali.

Xu hướng giá nguyên liệu đầu vào

Giá dầu dự kiến sẽ duy trì ở mức 75-80 USD/thùng, sau khi đạt đỉnh 120 USD/thùng vào năm 2022. Xu hướng giá dầu ổn định phản ánh sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường toàn cầu. Tương tự, giá than đã giảm sau khi đạt đỉnh gần 450 USD/tấn do nhu cầu từ các ngành công nghiệp lớn như sản xuất điện và thép chững lại và quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Điều này mang đến kỳ vọng giá than sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới.

Lợi thế cho doanh nghiệp phân bón

Với giá nguyên liệu đầu vào ở mức thấp, chi phí sản xuất phân bón được tối ưu hóa, tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp trong ngành. Điều này giúp cả doanh nghiệp tự sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu nâng cao biên lợi nhuận.

Hoạt động xuất nhập khẩu

Việt Nam chỉ có khả năng tự sản xuất phân urê, do đó vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu các nguyên liệu và phân bón khác. Năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 4,1 triệu tấn phân bón, với phân kali nhập chủ yếu từ Nga, Belarus và Canada. Trung Quốc là đối tác cung cấp chính các loại phân DAP và một số sản phẩm phân bón khác, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Campuchia hiện là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam. Với năng lực sản xuất vượt trội, hơn 3 triệu tấn urê mỗi năm, Việt Nam có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, với Campuchia là thị trường tiềm năng hàng đầu.

Nhu cầu phân bón và triển vọng thị trường

Hiệp hội phân bón thế giới (IFA) dự báo nhu cầu tiêu thụ phân urê tăng 6% trong giai đoạn 2024 – 2028. Riêng Việt Nam, AgroMonitor dự báo tiêu thụ urê trong năm 2024 tăng khoảng 13% so với niên vụ 2022 – 2023. Nhu cầu phân bón ngắn hạn được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ các yếu tố như nguồn cung xuất khẩu gạo thế giới chưa cải thiện, xuất khẩu nông sản Việt Nam kỳ vọng tích cực, giúp gia tăng lượng phân bón tiêu thụ.

Khuyến nghị đầu tư

Mirae Asset kỳ vọng giá URE sẽ phục hồi sau giai đoạn tích lũy quanh vùng giá thấp. Trên cơ sở đó, khuyến nghị mua DCM với ước tính năm 2024, doanh thu và lợi nhuận ròng đạt 13.991 tỷ đồng (+11,3% so với cùng kỳ) và 1.407 tỷ đồng (+26,7% so với cùng kỳ). Dự báo năm 2025, DCM đạt doanh thu thuần 14.970 tỷ đồng (+7%) và lợi nhuận sau thuế 1.618 tỷ đồng (+14,9%). MAS đánh giá tích cực đối với DCM, nhờ kỳ vọng chính sách thuế VAT 5% cho phân bón, nếu được thông qua, sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa; Triển vọng giá phân bón tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. DPM cũng được khuyến nghị mua với dự báo năm 2024, doanh thu thuần của DPM sẽ đạt 14.519 tỷ đồng tăng 7%, lợi nhuận sau thuế 793 tỷ tăng 53,2%. Năm 2025, kỳ vọng DPM sẽ đạt doanh thu thuần 15.289 tỷ tăng 5,3% và lợi nhuận sau thuế 960 tỷ tăng 21%.


Nguồn: https://vneconomy.vn

Xem bài viết gốc tại đây

Leave a Comment

Scroll to Top