Xu hướng xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2024 đạt khoảng 150 nghìn tấn, trị giá 238 triệu USD, giảm 17% về lượng và giảm 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu cao su bình quân đạt 1.586 USD/tấn, tăng 19,6% so với tháng 6/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 722 nghìn tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, giảm 5,8% về lượng nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Phân tích thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam
Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng xuất khẩu cao su chủ lực của Việt Nam, chiếm 54,44% tổng lượng xuất khẩu. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 66,5% về lượng và 63,7% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước. Giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trung bình đạt 1.445 USD/tấn, tăng 6,4% so với 6 tháng đầu năm 2023. Ấn Độ là thị trường lớn thứ hai, đạt gần 57 nghìn tấn, kim ngạch khoảng 91 triệu USD, tăng 42,8% về lượng, tăng 63,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá cao su xuất khẩu sang Ấn Độ đạt trung bình 1.605 USD/tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ ba, với hơn 24 nghìn tấn và 39,5 triệu USD, tăng 23% về lượng, tăng 35% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt trung bình 1.640 USD/tấn, tăng 9,9% về giá so với nửa đầu năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Indonesia tăng gấp 2 lần trong 6 tháng đầu năm nay, với gần 2,4 nghìn tấn và 4,3 triệu USD.
Thị trường cao su thế giới và triển vọng cho ngành cao su Việt Nam
Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo nhu cầu cao su toàn cầu đạt 15,74 triệu tấn, đồng thời dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu giảm xuống còn 14,50 triệu tấn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay. ANRPC cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600 – 800.000 tấn/năm. Hiện Việt Nam có quy mô sản lượng mủ cao su đạt 1,3 triệu tấn mỗi năm từ 910.000 ha diện tích trồng cây cao su. Tuy nhiên, chỉ 70-75% trong số này là các cây cao su trưởng thành sẵn sàng khai thác. Trong tháng 6/2024, giá mủ chén và mủ nước tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết giá bán bình quân mủ cao su sơ chế trong nửa đầu năm nay đạt 38,4 triệu đồng/tấn, cao hơn 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023. Với các diễn biến hiện tại, giá bán cao su của cao su Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong nửa cuối năm nay.
Nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam
Để nâng cao sức cạnh tranh cao su Việt Nam, VRG đang thực hiện nhiều giải pháp đưa tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cao su. VRG đã ban hành cơ cấu giống đạt được tiến bộ về năng suất, sản lượng và khả năng thích nghi theo vùng. Công tác quản lý sâu bệnh hại trên vườn cao su đang được xây dựng theo hướng quản lý tổng hợp, nhằm nâng cao hiệu quả, giảm công lao động, giảm sử dụng hóa chất và chi phí hợp lý. Tiến bộ kỹ thuật mới trong cạo mủ cao su đã được áp dụng, với việc sử dụng dao cạo lắp ghép, áp dụng thu mủ đông với chén dung tích lớn 1,8 lít kết hợp các biện pháp che mưa phù hợp… Kỹ thuật cạo mủ cải tiến mới này giúp tiết kiệm vỏ nguyên sinh cây cao su, đồng thời giúp tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người cạo mủ, tạo lợi thế cạnh tranh tốt hơn ở cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay, tiết kiệm 20 – 33% nhu cầu lao động cạo mủ.
Nguồn: https://vneconomy.vn
Xem bài viết gốc tại đây