Bảo vệ nhà đầu tư khỏi “bẫy” thao túng chứng khoán
Tình trạng thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) đang là vấn đề nhức nhối, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường. Các chuyên gia kỳ vọng các chính sách mới, theo hướng yêu cầu công ty kiểm toán kiểm soát chặt báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán kiểm soát chặt việc mở tài khoản tràn lan và việc bổ sung quy định mua – bán chéo, tạo cung cầu giả, sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng làm giá, lũng đoạn thị tường chứng khoán.
“Bẫy” thao túng chứng khoán nhìn từ một số vụ án
Nhiều vụ án liên quan đến thao túng TTCK đã được đưa ra xét xử trong những năm gần đây, điển hình như vụ án tại Tập đoàn FLC, Louis Holding, Công ty cổ phần công nghiệp và khoáng sản Bình Thuận (BIM). Các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết thường bắt tay với lãnh đạo công ty chứng khoán, hoặc chỉ đạo người thân và cấp dưới lập, dùng hàng trăm tài khoản chứng khoán để giao dịch mua – bán cổ phiếu với khối lượng lớn và tần suất dày đặc, nhằm tạo cung cầu giả. Điều này đẩy giá cổ phiếu lên cao bất thường, thu hút nhà đầu tư ưa mạo hiểm, thích lướt sóng, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho những người không nghi ngờ gì về sự thật.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thao túng TTCK
Ngoài yếu tố về ý thức tuân thủ pháp luật của một số cá nhân, tổ chức còn kém, thì hành vi thao túng thường xảy ra trong khoảng thời gian nhất định mới rõ dấu hiệu, biến động bất thường của cổ phiếu. Hơn nữa, sự tham gia của số lượng lớn tài khoản giao dịch cũng khiến cơ quan quản lý khó phát hiện, ngăn chặn ngay vi phạm trong giai đoạn thao túng. Ngoài ra, quy định xử lý với những hành vi vi phạm pháp luật về các hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Bộ luật dân sự 2015; Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các Nghị định, Thông tư liên quan… còn khá nhẹ, tính răn đe không cao, không tương thích với những hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra cho xã hội và nhà đầu tư. Điều này dẫn đến các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán gia tăng cả về số lượng và mức độ vi phạm.
Làm gì để giảm thiểu rủi ro?
Bộ Tài chính đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán 2019 theo hướng luật hoá quy định về hành vi thao túng TTCK từ Nghị định 156/2020 của Chính phủ tại Điều 12 của Luật. Đồng thời, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến giao dịch của người nội bộ công ty đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan trong việc không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng. Các chuyên gia cũng đề xuất cần cụ thể hóa các quy định về hành vi thao túng, bổ sung thêm các quy định liên quan đến việc các nhà đầu tư chứng khoán bắt buộc phải xác định định danh điện tử thông qua căn cước công dân gắn chip. Ngoài ra, cần bổ sung các văn bản hướng dẫn phương pháp tính số tiền “thu lời bất chính” và “gây thiệt hại cho nhà đầu tư” để thống nhất khi áp dụng vào thực tiễn, qua đó rút ngắn thời gian trong điều tra, xử lý tội phạm thao túng TTCK. Đồng thời, cần bổ sung thêm hậu quả của hành vi thao túng TTCK, có thể là “gây mất an ninh tài chính tiền tệ” hoặc “gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của thị trường chứng khoán”.
Nâng cao vai trò của công ty kiểm toán
Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, cần quy định chặt chẽ và nâng cao vai trò, trách nhiệm của công ty kiểm toán trong việc phát hiện sai phạm của doanh nghiệp niêm yết. Công ty kiểm toán cần có vai trò quan trọng trong việc đánh giá chất lượng doanh nghiệp niêm yết, phát hiện sai phạm liên quan tới công bố thông tin kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính và đưa ra ý kiến loại trừ hoặc cảnh báo cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý.
Nguồn: https://vietstock.vn
Xem bài viết gốc tại đây