Gỡ nút thắt pre-funding: Bài học từ các thị trường quốc tế

Gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước: Bài học từ thị trường quốc tế

Thông tư 68 của Bộ Tài chính được xem là cột mốc quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Không chỉ gỡ bỏ nút thắt giao dịch ký quỹ trước (pre-funding) dành cho nhà đầu tư nước ngoài, thông tư này còn giúp thị trường trở nên linh hoạt hơn, dần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quốc tế, chuẩn bị cho quá trình nâng hạng.

Bước đầu gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước tại Việt Nam

Yêu cầu ký quỹ trước, hay pre-funding, là việc chuẩn bị trước các nguồn tài chính để đáp ứng cho một giao dịch hoặc nghĩa vụ tài chính trong tương lai. Đây là một biện pháp bảo vệ quyền lợi cho bên có quyền, tránh rủi ro trong quá trình thực hiện giao dịch. Pre-funding mang lại lợi thế như giảm thiểu rủi ro thanh toán chậm trễ, đặc biệt trong giao dịch xuyên biên giới, đồng thời tăng cường uy tín của các tổ chức tài chính và hỗ trợ tính thanh khoản. Tuy nhiên, pre-funding cũng gây ra một số hạn chế, bao gồm tăng chi phí tài chính, giảm tính linh hoạt của dòng tiền đầu tư và tạo ra hạn chế cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường. Các tổ chức quốc tế như MSCI và FTSE đặt yêu cầu “non pre-funding” là một trong các yếu tố trong tiêu chí “thanh toán – bù trừ” để xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán. Thông tư 68 của Bộ Tài chính, được ban hành ngày 18/9/2024, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu mà không cần ký quỹ trước 100% tiền. Thay vào đó, chỉ yêu cầu đủ tiền trước thời điểm xác nhận kết quả giao dịch và nghĩa vụ thanh toán với VSDC. Các công ty chứng khoán có năng lực sẽ đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài và xác định mức tiền phải ký quỹ trước khi có lệnh đặt mua cổ phiếu theo thỏa thuận 2 bên. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không có đủ tiền đến thời điểm nộp, nghĩa vụ thanh toán sẽ được chuyển sang cho công ty chứng khoán thực hiện. Thông tư 68 đã tạo điều kiện để gỡ bỏ nút thắt pre-funding, một vấn đề cần thiết trong tiêu chí “thanh toán – bù trừ” để nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi.

Đánh giá chung từ các chuyên gia

Các chuyên gia cho rằng Thông tư 68 giúp dòng vốn ngoại tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng hơn, gia tăng thanh khoản và quy mô giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông Petri Deryng, Quản lý Quỹ Pyn Elite Fund, Thông tư 68 sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường. Đồng thời, các rủi ro hạn chế được từ pre-funding vẫn có thể được đảm bảo khi quy định chỉ áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài, nhóm thường tuân thủ nghĩa vụ thanh toán theo kinh nghiệm quốc tế.

Kinh nghiệm non pre-funding nhìn từ thị trường quốc tế

Các thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới đều đã từng áp dụng ký quỹ trước như một biện pháp bảo vệ nhà đầu tư và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, sau đó, các thị trường này dần gỡ bỏ yêu cầu pre-funding khi công nghệ thanh toán và các quy trình quản lý rủi ro được cải tiến, cùng với sự đi lên của các hệ thống thanh toán trung tâm. Các tổ chức quốc tế đưa yêu cầu không ký quỹ thành tiêu chí đánh giá, bởi việc đạt tiêu chí đồng nghĩa với việc thị trường đã có đủ hạ tầng, công nghệ để đáp ứng điều kiện. Ví dụ, tại Mỹ, ban đầu áp dụng pre-funding, nhưng sau đó được loại bỏ dần khi công nghệ và hạ tầng phát triển. Sự ra đời của các hệ thống bù trừ, thanh toán tập trung như DTCC cho phép các giao dịch được thanh toán hiệu quả hơn, giảm nhu cầu ký quỹ trước giao dịch. Hạ tầng và công nghệ cũng giúp thị trường Mỹ có thể áp dụng các chu kỳ thanh toán nhanh hơn. Thị trường Mỹ đã từng áp dụng chu kỳ thanh toán T+1, nhưng sau đó chuyển sang T+5 do khối lượng giao dịch quá lớn. Đến năm 1995, Mỹ áp dụng chu kỳ T+3, chuyển sang T+2 từ năm 2017 và trở lại mốc T+1 vào cuối tháng 5/2024. Song song với quá trình cải tiến, yêu cầu pre-funding cũng biến mất, trở thành tiêu chuẩn chung, cho phép thị trường có tính thanh khoản cao hơn và thu hút thêm nhà đầu tư quốc tế. Các thị trường tại châu Âu cũng từng yêu cầu pre-funding, nhưng dần dần, các quy định như CSDR, hệ thống thanh toán Target2-Securities và hệ thống quản lý rủi ro được cải thiện đã cho phép các nhà quản lý nới lỏng yêu cầu. Nhờ vậy, tính hiệu quả của thị trường được nâng lên, hỗ trợ giao dịch nhanh chóng giữa các nhà đầu tư trong khối quốc gia thành viên EU. Tương tự là Hồng Kông và Singapore, hai thị trường phát triển trong xếp loại của FTSE và MSCI. Yêu cầu pre-funding đã được loại bỏ từ lâu, nhờ cơ sở hạ tầng tài chính và quy trình quản lý rủi ro tại hai thị trường đã phát triển mạnh. Một ví dụ gần hơn với Việt Nam là Arab Saudi. Quốc gia dầu mỏ từ tháng 6/2016 đã được MSCI đánh giá rất cao, nhưng vẫn cần cải thiện một vài tiêu chí về thanh toán – bù trừ, trong đó có pre-funding. Đến tháng 2/2017, họ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và chính thức lọt vào nhóm thị trường mới nổi của FTSE và MSCI lần lượt từ cuối năm 2018 và 2019.

Rủi ro tiềm ẩn khi không yêu cầu ký quỹ trước

Việc không yêu cầu ký quỹ trước cũng có thể đem đến rủi ro trong trường hợp một thị trường áp dụng chu kỳ thanh toán ngắn hơn. Năm 2022, Ấn Độ áp dụng chu kỳ T+1 và điều này đòi hỏi thị trường ngoại hối phải có nhiều điều chỉnh để giảm rủi ro giao dịch thất bại hoặc rủi ro tái lập yêu cầu ký quỹ trước. Hay việc Mỹ áp dụng T+1 thời gian gần đây, các ngân hàng nước ngoài thực hiện giao dịch tại Mỹ được cảnh báo cần phải duy trì khả năng cấp vốn quốc tế thường xuyên hơn, đồng thời bổ sung thêm thanh khoản và tiền mặt dự phòng trước 1 ngày so với thời điểm thanh toán. Thị trường Việt Nam hiện đang áp dụng chu kỳ T+2 (thực tế là T+1.5). Trường hợp rút ngắn chu kỳ giao dịch (như kỳ vọng giảm xuống T+0 khi hệ thống giao dịch KRX được ứng dụng), đòi hỏi hệ thống thanh toán cũng như quy trình quản lý rủi ro được nâng cấp mạnh để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và thị trường.


Nguồn: https://vietstock.vn

Xem bài viết gốc tại đây

Leave a Comment

Scroll to Top