Góc nhìn chuyên gia: Nhiều sự kiện có thể tạo “biến số” cho thị trường chứng khoán, nhà đầu tư hạn chế giải ngân sớm

Tổng quan thị trường chứng khoán tuần qua

Tuần giao dịch vừa qua, VN-Index ghi nhận những phiên tăng điểm ấn tượng sau phiên rung lắc đầu tuần. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là ngành ngân hàng, đã bứt phá mạnh mẽ, tạo động lực cho thị trường hướng lên mốc 1.300 điểm. Dòng tiền tiếp tục lan tỏa, thanh khoản tăng cao hơn so với tuần trước. Tuy nhiên, áp lực chốt lời tăng cao khiến chỉ số chính “lùi bước” trước ngưỡng cản mạnh tại phiên cuối tuần. Tính chung cả tuần 23-27/9, VN-Index tăng 18.88 điểm (+1.48%) so với tuần trước lên 1.290,92 điểm.

Điểm nhấn thị trường tuần qua

Khối lượng giao dịch tăng tuần thứ 4 liên tiếp và VN-Index đã cán mốc 1.300 điểm vào phiên ngày thứ 6. Khối ngoại cũng rất tích cực với thị trường khi có 8 trên 10 phiên gần nhất mua ròng. Thị trường chứng khoán được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực trong và ngoài nước như: SBV liên tục mua kỳ hạn trên thị trường mở và “bơm tiền” ra hệ thống; Fed (Mỹ) cắt giảm và BoJ (Nhật Bản) hoãn kế hoạch tăng lãi suất, xác nhận sóng nới lỏng chính sách tiền tệ; PboC (Trung Quốc) tung gói kích thích kinh tế lớn và làm ấm thị trường bất động sản.

Phân tích kỹ thuật và tâm lý nhà đầu tư

Mốc 1.300 là vùng điểm số tròn/số chẵn ngay sau kháng cự kỹ thuật chính của VN-Index từ đầu năm quanh 1.280-1.290 điểm. Áp lực tâm lý của nhà đầu tư thúc đẩy bán ra cổ phiếu tại vùng điểm chẵn và chờ đợi kết quả nhịp kiểm định lại vùng giằng co có thể là một trong những nguyên nhân khiến VN-Index gặp khó tại mốc 1.300 điểm, bất chấp các thông tin vĩ mô hỗ trợ. Về mặt thời điểm, thị trường sắp vào mùa công bố BCTC quý 3, nên cũng có áp lực tái cấu trúc danh mục để phục vụ cho chọn lọc cổ phiếu theo KQKD trong thời gian tới.

Dự báo thị trường tháng 10

Ngoài dữ liệu kinh tế xã hội, xuất nhập khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam, dữ liệu thất nghiệp tháng 9 của Mỹ, có 4 sự kiện khác dự kiến sẽ được các nhà đầu tư quan tâm và tạo những biến số cho thị trường: (1) FTSE Rushell công bố kết quả phân loại thị trường; (2) Giai đoạn công bố BCTC quý 3/2024; (3) Review rổ chỉ số VN Diamond, VNFIN Select; (4) Khai mạc kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, sự kiện công bố BCTC và những hé lộ về KQKD, lợi nhuận tăng trưởng của các nhóm ngành lớn (ngân hàng, bán lẻ) sẽ là biến số chính tạo động lực tăng điểm cho thị trường trong tháng tới.

Tác động của gói kích thích kinh tế Trung Quốc

Các nhóm giải pháp bao gồm: (1) Nới lỏng chính sách tiền tệ; (2) Tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường nhà ở; (3) Hỗ trợ thị trường chứng khoán. Với việc Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế quy mô lớn, các quốc gia khác trong khu vực bao gồm Việt Nam có thể tiếp tục duy trì và tăng cường các chính sách nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cú hích từ gói kích thích sẽ tăng tính hấp dẫn của TTCK và nhóm phân tích kỳ vọng đây là nhân tố thúc đẩy quá trình đảo chiều dòng vốn ngoại từ trạng thái bán ròng thành mua ròng tại các thị trường châu Á giai đoạn cuối năm. Ngành thép và dầu khí có thể được hỗ trợ khi giá thép và giá dầu phản ánh kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tác động lớn đến nhu cầu. Đối với ngành cao su và thủy sản, đây là hai mặt hàng mà Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể kỳ vọng gia tăng được đơn hàng xuất khẩu.

Vai trò của khối ngoại

Quy mô giao dịch của khối ngoại đã không còn chiếm tỷ trọng quá lớn như trước đây, cụ thể giao dịch khối ngoại chỉ còn chiếm khoảng 10% tổng số giao dịch toàn thị trường. Dù vậy, động thái của khối ngoại vẫn có những ảnh hưởng nhất định tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam. Từ đầu năm 2024 cho tới hiện tại, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng nhưng TTCK vẫn có diễn biến khá tích cực khi VN-Index tăng điểm khoảng gần 15%. Trong đó, nhà đầu tư trong nước vẫn là điểm tựa của thị trường khi liên tục mua ròng. Sự quay trở lại của nhà đầu tư nước ngoài trong những tuần gần đây thực sự là điểm sáng và có thể góp phần tạo nên cú huých cho thị trường chứng khoán. Đây là động thái tích cực khi mà dòng tiền trong nước cũng đã có phần “thấm mệt” khi phải chống đỡ trong thời gian dài. Đồng thời, điều này làm củng cố kỳ vọng về việc nhà đầu tư nước ngoài sẽ giao dịch tích cực hơn trong thời gian tới để ổn định dòng vốn vào thị trường chứng khoán.

Nhận định về VN-Index

VN-Index tiếp tục có một tuần bứt phá và thậm chí có thời điểm vượt mốc 1.300 điểm trong phiên cuối tuần, tuy vậy áp lực bán gia tăng đã đẩy lùi chỉ số về lại sát mức 1.290 điểm. Đây là điều không bất ngờ vì từ đầu năm tới nay vùng trên 1.300 điểm vẫn luôn là vùng mà VN-Index chịu áp lực chốt lời mạnh và khó giữ vững. Trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy chỉ số VN-Index có thể dễ dàng vượt mốc 1.300 điểm thì việc nhà đầu tư điều chỉnh lại tâm lý theo hướng thận trọng hơn, tránh tâm lý Fomo “mua đuổi những cổ phiếu đã có nhịp tăng nóng” là điều cần thiết. Đồng thời việc quản trị rủi ro danh mục đầu tư cần được đặt ưu tiên cao, theo đó nhà đầu tư cần chủ động chốt lời một phần những mã cổ phiếu đã tăng nhanh trên 15% trong 2 tuần gần đây và giảm tỷ lệ cổ phiếu xuống ngưỡng an toàn (dưới 100%). Nhà đầu tư cũng nên hạn chế việc giải ngân mới và sử dụng đòn bẩy tài chính, ít nhất là cho đến khi chỉ số VN-Index xác nhận rõ xu hướng vận động sau khi thử thách lại vùng kháng cự 1.300 điểm. Việc giải ngân mới nên được thực hiện khi chỉ số VN-Index vượt thành công vùng kháng cự 1.300 điểm một cách chắc chắn hoặc lùi lại vùng giá hỗ trợ tại 1.260-1.270 điểm.


Nguồn: https://cafef.vn

Xem bài viết gốc tại đây

Leave a Comment

Scroll to Top