Các Ngân Hàng Trung Ương Chuẩn Bị Cắt Giảm Lãi Suất
Các quan chức ngân hàng trung ương tham dự hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần vừa rồi đều có chung một quan điểm lạc quan rằng họ sắp đạt được mục tiêu tưởng chừng như không thể: đưa nền kinh tế toàn cầu hạ cánh mềm. Với niềm tin này, họ cho rằng thời điểm để cắt giảm lãi suất đã chín muồi.
Lạm Phát Giảm, Nền Kinh Tế Vững Chắc
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Andrew Bailey và người đồng cấp Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell bác bỏ mối lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ phải hy sinh tăng trưởng để đạt được mục tiêu lạm phát. Cùng phát tín hiệu hạ lãi suất, hai nhà hoạch định chính sách tiền tệ đều cho thấy sự tin tưởng rằng nền kinh tế mỗi nước sẽ tránh được suy thoái. Các nhà kinh tế học dự hội nghị được đăng cai bởi Fed chi nhánh Kansas tại khu nghỉ dưỡng Jackson Hole, Wyoming đồng tình với sự lạc quan đó.
Thay Đổi Từ Bức Tranh U Ám
Cách đây hai năm, triển vọng kinh tế toàn cầu là một bức tranh u ám. Chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt nhằm khống chế tình trạng lạm phát tồi tệ nhất kể từ những năm 1980 ở các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng, khiến hàng triệu người mất việc làm. Vào thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách cảnh báo đây là bối cảnh kinh tế thách thức nhất mà họ phải đối mặt trong ký ức gần đây. Nhưng 12 tháng qua, bức tranh đã có sự thay đổi lớn. Lạm phát đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2023, trượt sâu dưới mức đỉnh thiết lập vào năm 2022 và hiện có vẻ như đang trên đà đạt được mục tiêu 2% mà ngân hàng trung ương của phần lớn các nền kinh tế phát triển đặt ra.
Thách Thức Tiềm Ẩn
Tuy nhiên, giới chức ngân hàng trung ương nhận thức rõ những thách thức phía trước, nhất là việc xác định chuẩn xác một tốc độ cắt giảm lãi suất phù hợp. Thị trường tài chính đã chuyển sang phản ánh kỳ vọng về chi phí đi vay thấp hơn, qua đó giúp giảm lãi suất các khoản thế chấp nhà và các sản phẩm tài chính khác. Tuy nhiên, lãi suất cơ bản của các ngân hàng trung ương vẫn chưa giảm tương ứng. Biến động hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu hồi đầu tháng 8, sau dữ liệu việc làm ảm đạm của Mỹ và động thái cứng rắn gây bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), đã phản ánh mối lo lắng tiềm ẩn về triển vọng kinh tế.
Sự Ủng Hộ Từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF)
Trao đổi với Financial Times, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng đợt bán tháo cổ phiếu vào đầu tháng là “sự nếm trải sớm” một “sự kiện khiến nhà đầu tư suy giảm tâm lý ham thích rủi ro” có thể xảy ra, đặc biệt nếu tốc độ tăng trưởng chậm lại dẫn tới một cú sụt sâu của tốc độ tăng trưởng. “Thị trường sẽ còn biến động vì phải điều chỉnh sang một giai đoạn mới trong chu kỳ giảm lạm phát, tức là bình thường hóa chính sách tiền tệ”, ông nói. Nhà kinh tế học này ủng hộ việc các ngân hàng trung ương xoay trục chính sách tiền tệ, nói rằng đó là hướng đi “đúng đắn”. “Về nguyên tắc, việc nới lỏng này có thể tốt cho tăng trưởng toàn cầu vì sẽ giúp ổn định các hoạt động kinh tế”, ông Gourinchas phát biểu, và nói thêm rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ được hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng USD – một hệ quả của việc Fed cắt giảm lãi suất.
Kế Hoạch Cắt Giảm Lãi Suất
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), BoE và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đều đã hạ lãi suất trong mùa hè năm nay và dự kiến sẽ giảm thêm trong những tháng tới. Fed dự kiến sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9, như tín hiệu mà ông Powell đưa ra tại Jackson Hole vào hôm thứ Sáu vừa rồi. “Chúng tôi không mong muốn hay hoan nghênh việc thị trường lao động tiếp tục suy yếu. Đã đến lúc phải điều chỉnh chính sách”, Chủ tịch Fed nói trong bài phát biểu được theo dõi trên toàn cầu. Dù ông Powell không đưa ra manh mối cụ thể về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất, phát biểu này của ông là tín hiệu rõ ràng nhất từ Fed cho đến thời điểm này về việc xoay trục, và thị trường tin chắc thời điểm để Fed hành động là tháng 9. Cuộc họp ngày 17-18/9 của Fed diễn ra chỉ 6 tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nên kết quả sẽ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Con Đường Gập Ghềnh Quay Trở Lại Mục Tiêu
Việc Fed và các ngân hàng trung ương khác phải đợi lâu đến vậy mới bắt đầu cắt giảm lãi suất cho thấy mức độ nghiêm trọng của lạm phát trong ba năm qua. Lúc đầu, lạm phát được cho là một vấn đề “tạm thời”, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và sẽ tự giải tỏa. Nhưng sau đó, lạm phát nhanh chóng trở thành một vấn đề bùng nổ và dai dẳng đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới. Con đường đưa lạm phát quay trở lại mức 2% đã trở nên gập ghềnh và khó khăn hơn do các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông. Mới gần đây nhất, vào đầu năm 2024, sự trỗi dậy bất ngờ của áp lực giá cả đã khiến các quan chức Fed lo lắng về khả năng phải duy trì lãi suất cao hơn lâu hơn.
Thận Trọng Trong Việc Cắt Giảm
Các ngân hàng trung ương từ lâu đã lo ngại rằng việc hạ lãi suất quá sớm sẽ khiến lạm phát duy trì ở mức cao hơn mục tiêu, hoặc tệ hơn là bùng phát trở lại một khi kỳ vọng về một vòng xoáy tăng giá trở nên bám rễ sâu vào tâm lý người tiêu dùng. Ở thời điểm hiện tại, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ vẫn chưa sẵn sàng tuyên bố chiến thắng thời kỳ lạm phát tồi tệ nhất trong cả một thế hệ. Hôm thứ Sáu tại Jackson Hole, Thống đốc Bailey nhắc lại rằng ông triển khai cách tiếp cận thận trọng với việc cắt giảm lãi suất. Phát biểu này củng cố kỳ vọng rằng BOE sẽ giữ nguyên vào tháng 9 trước khi giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 11. Hôm thứ Bảy, nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cảnh báo mục tiêu lạm phát của khu vực eurozone còn “chưa được đảm bảo”.
Rủi Ro Của Việc Hành Động Quá Chậm
Các quan chức Mỹ cũng ủng hộ việc cắt giảm lãi suất với tốc độ chậm rãi, nhưng để ngỏ khả năng có những động thái mạnh mẽ hơn nếu cần. Nhưng sau khi đã phạm phải sai lầm là tăng lãi suất quá muộn trong cuộc chiến chống lạm phát, giới chức ngân hàng trung ương thừa nhận rủi ro nếu họ hành động quá chậm trong giai đoạn tiếp theo. Ông Austan Goolsbee, chủ tịch Fed Chicago, nói với Financial Times: “Tôi e là chính sách đang có mức độ thắt chặt cao nhất trong suốt chu kỳ này”. Ông lưu ý rằng lãi suất thực sau khi điều chỉnh theo lạm phát đã tăng lên do áp lực giá cả giảm bớt, mặc dù lãi suất danh nghĩa của Fed đã không thay đổi trong hơn một năm qua. “Mức độ thắt chặt như vậy cần phải có lý do, cụ thể là nền kinh tế quá nóng, nhưng nền kinh tế hiện tại không có hiện tượng quá nóng”, ông Goolsbee nói.
Kết Luận
Bà Susan Collins, Chủ tịch Fed Boston, tin rằng có một “con đường rõ ràng” để đạt được mục tiêu lạm phát 2% mà không gây ra “sự suy giảm không cần thiết” của tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, bà cảnh báo những rủi ro đối tăng trưởng đối với nền kinh tế Mỹ có thể thành hiện thực. “Tôi có quan điểm thực tế về điều đó. Sự khiêm tốn không phải là một điều xấu”, bà Collins nói với Financial Times.
Nguồn: https://vneconomy.vn
Xem bài viết gốc tại đây