Lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,2% vào cuối năm 2024?

Tỷ giá USD/VND: Áp lực tăng giá hạ nhiệt

Trong tháng 10, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng 2,8% lên mức 25.295 VND/USD. Từ đầu năm, đồng VND đã mất giá khoảng 3,9% so với đồng USD, tiến gần mức đỉnh 4,6% được ghi nhận vào tháng 5. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng lên mức 25.772 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm đang niêm yết tại 24.246 VND/USD, tăng lần lượt 4,2% và 1,7% so với đầu năm 2024.

Dự báo tỷ giá

Chứng khoán MBS dự báo áp lực tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt do đợt biến động này chủ yếu chịu tác động của yếu tố mùa vụ. Fed sẽ tiếp tục chu kỳ giảm lãi suất và các biện pháp can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ kiềm chế việc áp lực tỷ giá gia tăng. Áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.800 – 25.000 VND/USD vào cuối năm 2024.

Các yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá

Thặng dư thương mại tích cực (~20.8 tỷ USD trong 9T24), dòng vốn FDI 17,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ và du lịch phục hồi mạnh mẽ tăng 43% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2024 là những yếu tố hỗ trợ cho việc ổn định tỷ giá. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.

Lãi suất liên ngân hàng: Xu hướng tăng nhẹ

Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng sau động thái mới của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường tiền tệ. Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm vốn qua kênh OMO trong ba tháng qua đã giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng duy trì khá ổn định trong nửa đầu tháng 10. Tuy nhiên, đối mặt với áp lực tỷ giá tăng cao trở lại, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu trở lại vào phiên ngày 18/10 sau gần hai tháng tạm ngưng. Động thái này nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống, qua đó sẽ giúp nâng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.

Mục tiêu kép của Ngân hàng Nhà nước

Việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện song song hai nghiệp vụ phát hành tín phiếu và bơm vốn qua kênh OMO được cho là nhằm phục vụ mục tiêu kép khi vừa giúp đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng để duy trì mức lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng giảm áp lực lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường liên ngân hàng.

Dự báo lãi suất huy động

MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1% – 5,2% vào cuối năm 2024. Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và FED hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam.


Nguồn: https://vneconomy.vn

Xem bài viết gốc tại đây

Leave a Comment

Scroll to Top