Vụ án vi phạm quy định về cho vay tại Ngân hàng Tín Nghĩa: Tuyên án 42 tháng tù
Ngày 28/6, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Phan Thanh Long, nguyên Tổng giám đốc, Nguyễn Thị Phi Yến, nguyên Trưởng phòng giao dịch Bạch Mai, đều thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa mức án 42 tháng tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cùng tội danh này, các bị cáo tại Công ty Chứng khoán Trường Sơn (TSS) gồm Hoàng Minh Sơn, nguyên Chủ tịch HĐQT nhận án 36 tháng tù cho hưởng án treo, Hồ Hoài Nam, nguyên Tổng giám đốc và Nguyễn Trung Thành, nguyên Phó Tổng giám đốc nhận án 30 tháng tù cho hưởng án treo.
Diễn biến vụ án
Vụ án này đã kéo dài trong nhiều năm nay. Trước đó, năm 2015, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình tố tụng do cần làm rõ vai trò của cán bộ ngân hàng nên vụ án bị hủy án để điều tra lại. Đến nay 2022, cơ quan điều tra thay đổi tội danh, khởi tố vụ án Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Vụ án xảy ra trước khi Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa bị hợp nhất thành SCB, theo quyết định hợp nhất của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 12/2011.
Hành vi phạm tội
Giai đoạn 2008-2009, Ngân hàng Tín Nghĩa thực hiện việc cho vay chiết khấu giấy tờ có giá theo Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN. Phòng giao dịch Bạch Mai – Ngân hàng Tín Nghĩa do Nguyễn Thị Phi Yến làm giám đốc đã chủ động trao đổi với Công ty Chứng khoán Trường Sơn về việc hợp tác cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán. Theo hợp đồng hợp tác, cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán được hiểu là Ngân hàng Tín Nghĩa cho các khách hàng đầu tư chứng khoán của TSS vay tiền để mua chứng khoán niêm yết. Tài sản bảo đảm và nguồn trả nợ là từ nguồn thu từ việc bán chứng khoán đã mua. Quá trình triển khai thực hiện hợp đồng hợp tác, từ ngày 31/5/2010 đến ngày 14/9/2011, phòng giao dịch Bạch Mai đã giải ngân cho TSS tổng số tiền hơn 2.700 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10/2011, TSS còn nợ gốc hơn 43 tỷ đồng và nợ lãi 1,7 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.
Lập khống hồ sơ vay vốn
Cáo buộc thể hiện, trong số các hồ sơ cho vay ứng trước tiền bán có nhiều hồ sơ được lập khống nhằm rút vốn ngân hàng. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Hồ Hoài Nam, Nguyễn Trung Thành khai rằng theo ủy quyền của bị cáo Hoàng Minh Sơn, Nam và Thành đã chỉ đạo nhân viên lấy thông tin từ khách hàng, lập hồ sơ khống và ký giả chữ ký khách hàng khống để vay vốn ngân hàng lấy tiền phục vụ hoạt động kinh doanh. Nguyễn Thị Phi Yến đã không chỉ đạo kiểm tra hồ sơ vay vốn, không kiểm tra việc sử dụng vốn vay dẫn đến không phát hiện các hồ sơ vay vốn giả. Cơ quan điều tra xác định nhóm bị cáo thuộc TSS đã lập khống 1.558 xác nhận kết quả giao dịch để làm giả 1.691 bộ hồ sơ dẫn đến Ngân hàng Tín Nghĩa giải ngân hơn 2.700 tỷ đồng.
Sử dụng trái phép vốn vay
Số tiền này được TSS sử dụng để đảo nợ, chuyển tiền vào các công ty của bị cáo Hoàng Minh Sơn theo các hợp đồng thuê nhà, sửa chữa văn phòng, ủy thác mua trái phiếu Chính phủ và chi cho các hoạt động khác của công ty. Ngoài ra, một số khoản vay và giải ngân có dấu hiệu thông đồng giữa TSS và Ngân hàng Tín Nghĩa như khoản vay để đảo nợ, mục đích thu tiền lãi phát sinh. Cơ quan giám định kết luận chữ ký trong giấy đề nghị ứng trước tiền bán của 10 khách hàng là chữ ký giả mạo. Xác minh tại Ủy ban chứng khoán cho thấy tại các ngày từ 12 đến 14/9/2011, có 28 xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán là không có thật, không có tên khách hàng, không có giao dịch.
Vai trò đồng phạm
Trong vụ án này, Hồ Hoài Nam, Nguyễn Trung Thành có vai trò đồng phạm giúp sức cho Phan Thanh Long, Hoàng Minh Sơn và Nguyễn Thị Phi Yến thực hiện hành vi phạm tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Sau khi vụ án được khởi tố, từ ngày 11/3/2015 đến ngày 15/6/2015, bị cáo Hoàng Minh Sơn đã chuyển hơn 43 tỷ đồng và sau đó chuyển tiếp số tiền lãi hơn 1,7 tỷ đồng vào tài khoản Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) để trả số tiền nợ gốc, lãi của Công ty TSS.
Nguồn: https://vneconomy.vn
Xem bài viết gốc tại đây