Phân tích diễn biến mức sinh lời của cổ phiếu ngân hàng năm 2024
Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến tích cực với nhiều đợt tăng giá, trong đó cổ phiếu ngành ngân hàng cũng hưởng lợi. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của nhóm ngành này vẫn chưa thể trở thành động lực dẫn dắt toàn bộ thị trường. Một số ngân hàng tăng trưởng tốt, trong khi một số ngân hàng đã mất điểm ngay từ đầu năm. Bài viết sẽ phân tích rõ hơn động lực đằng sau các đợt tăng giá của các cổ phiếu ngân hàng.
Mức sinh lời của ngành ngân hàng vẫn tốt hơn thị trường
Tính đến cuối quý 1-2024, tăng trưởng GDP đạt 5,66%, mức cao nhất kể từ sau khi đại dịch đến nay. Các đơn hàng sản xuất công nghiệp gia tăng với chỉ số IIP tăng 5,67% và chỉ số PMI vẫn dao động ở ngưỡng 50. Trước các dấu hiệu tích cực từ bối cảnh vĩ mô, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm dựa trên mức nền tương đối cao tại cuối năm 2023.
Cụ thể, VN-Index đã duy trì trên mức 1.200 điểm từ đầu tháng 2 đến nay, với mức đỉnh 1.284 điểm tại cuối tháng 3. Đến cuối tháng 4, mặc dù đã mất kha khá điểm so với mức cao trước đó, mức sinh lời tích lũy của thị trường đạt 7% – cao hơn hẳn so với mức 4% của cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, có thể kỳ vọng về triển vọng tốt hơn của thị trường chứng khoán trong năm nay.
Tính tới thời điểm hiện tại, ngân hàng nằm trong tốp ngành có mức sinh lời cao, dao động từ 15-20% so với đầu năm.
Sự phân hóa trong mức sinh lời của các cổ phiếu
Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15% – nhỉnh hơn so với mức 14% năm trước. NHNN đã quyết định cấp room tín dụng một lần cho các ngân hàng và thúc đẩy giải ngân trong quý 1.
Tuy nhiên, do chính sách lãi suất cho vay thấp, thu nhập lãi của các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Như vậy, triển vọng của ngân hàng trong năm nay phụ thuộc nhiều vào chiến lược tăng trưởng tín dụng và quản trị nợ xấu để giảm áp lực trích lập dự phòng.
Giữa các ngân hàng cũng có sự phân hóa mức sinh lời rõ rệt. Trong đó, mức tăng giá cho thấy đánh giá của thị trường về khả năng tăng trưởng tín dụng và chiến lược tín dụng của từng ngân hàng trong thời gian tới.
Nhóm ngân hàng gốc quốc doanh có mức tăng giá tốt và ổn định hơn. Trước bối cảnh nợ xấu chưa được phản ánh đầy đủ, các ngân hàng gốc quốc doanh với mức nợ xấu thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu dày nhận được đánh giá cao từ thị trường.
Trong khi đó, đường xu hướng giá của VIB bắt đầu giảm nhiệt từ giữa tháng 4 khi ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp, chỉ 0,4% so với cuối năm 2023 và tỷ lệ nợ xấu lên tới 2,45%.
Nhóm các ngân hàng chuyên cho vay cá nhân cũng thể hiện sự phân hóa lớn. Trong đó, SHB duy trì mức tăng giá tốt hơn so với các ngân hàng còn lại, với mức tăng trưởng tín dụng tốt nhờ chiến lược phát triển mảng khách hàng FDI và xuất nhập khẩu.
Đối với nhóm các ngân hàng khác, mức sinh lời của các cổ phiếu đang kém hấp dẫn hơn hẳn. Vấn đề của các ngân hàng là chiến lược để cạnh tranh tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này nhưng vẫn đảm bảo được mức nợ xấu hợp lý.
Kết luận
Trong giai đoạn tích lũy của thị trường chứng khoán, ngành ngân hàng vẫn chứng minh là một trong những ngành có mức tăng giá hấp dẫn. Tuy nhiên, sự phân hóa về chiến lược tăng trưởng và khả năng quản trị dẫn đến mức sinh lời khác nhau giữa các ngân hàng.
Dù các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy sự phục hồi, niềm tin vào khả năng tăng trưởng của ngành ngân hàng vẫn còn rất dè dặt. Vì vậy, các phân tích cơ bản về chiến lược tăng trưởng của mỗi ngân hàng cũng như khả năng thực thi sẽ đóng vai trò then chốt để nhà đầu tư có thể lựa chọn ra cơ hội đầu tư tốt.
Nguồn: https://vietstock.vn
Xem bài viết gốc tại đây