Thị trường chứng khoán tiếp tục biến động “sáng xanh chiều đỏ”
Phiên giao dịch ngày hôm nay tiếp tục chứng kiến diễn biến “sáng xanh chiều đỏ” quen thuộc, tuy nhiên mức độ thiệt hại đã giảm bớt so với các phiên trước. Thị trường chứng kiến nhịp lao dốc khá nhanh gần cuối phiên chiều, đẩy VN-Index giảm sâu nhất -3,7 điểm trước khi phục hồi về sát tham chiếu, chỉ còn giảm 1,6 điểm (-0,12%).
VNSmallcap dẫn đầu đà tăng
Trong khi VN-Index và VN30-Index đều giảm nhẹ, VNSmallcap là chỉ số duy nhất ghi nhận kết quả tích cực, đồng thời là nhóm duy nhất duy trì thanh khoản so với phiên giao dịch trước đó. VN-Index ngụp lặn dưới vùng giá đỏ gần như toàn bộ thời gian chiều nay, với điểm đáy được thiết lập lúc 2h15. Chỉ trong 15 phút còn lại của đợt khớp lệnh liên tục và đợt ATC, giá đã hồi phục nhẹ với khoảng 50 mã đảo chiều thành công, chủ yếu trong nhóm Smallcap. Cụ thể, tại điểm đáy, độ rộng VN-Index ghi nhận 111 mã tăng/258 mã giảm và đóng cửa là 153 mã tăng/209 mã giảm. VNSmallcap chốt phiên tăng 0,15% với 65 mã tăng/88 mã giảm, trong khi VN30-Index giảm 0,15% với 9 mã tăng/18 mã giảm và Midcap giảm 0,5% với 21 mã tăng/41 mã giảm. Thậm chí 5 cổ phiếu tăng kịch trần duy nhất của sàn HoSE đều thuộc nhóm Smallcap là PET, HTL, HVN, HVH và QCG. Toàn sàn có 58 cổ phiếu tăng tốt nhất vượt 1% thì một nửa cũng thuộc nhóm Smallcap.
Dòng tiền vào chậm, thanh khoản giảm
Dòng tiền vào thị trường chậm là điểm nổi bật của phiên này. Chiều nay, do có một nhịp giảm khá nhanh nên lượng bán chạm tới vùng lệnh chờ mua giá thấp và đẩy giao dịch tăng gần 34% so với phiên sáng tại HoSE, tính chung cả HNX thì tăng 33%. Tuy nhiên, tổng thể cả phiên, giá trị khớp lệnh hai sàn còn chưa tới 12.500 tỷ đồng, giảm 25% so với hôm qua và thấp nhất 7 phiên. Việc tốc độ giao dịch lẫn thanh khoản chậm lại là điều thường thấy khi thị trường tiến sát phiên đáo hạn phái sinh. Nhà đầu tư ngại rủi ro nên giảm mạnh cường độ, hơn là lo ngại xu hướng xấu đi của thị trường. Mặt khác, dòng tiền có sự dịch chuyển do hoạt động tái cơ cấu danh mục theo triển vọng kết quả kinh doanh quý 3.
Blue-chips giằng co, không tạo sức đẩy
Nhóm cổ phiếu blue-chips là rõ nhất, tuy thanh khoản giảm rất nhiều so với hôm qua nhưng về mặt tỷ trọng vẫn chiếm gần 52% sàn HoSE. Khả năng nâng đỡ của các cổ phiếu lớn trong các phiên gần đây không rõ ràng và yếu tố hỗ trợ duy nhất là không giảm quá nhiều. Phiên này trong 10 mã vốn hóa lớn nhất thì chỉ 4 mã xanh và 5 mã đỏ. Số xanh tăng rất nhẹ nhưng số giảm cũng không tạo nhiều sức ép. Giảm mạnh nhất là GAS -0,96% vốn hóa đứng thứ 7 trong chỉ số nhưng VHM cũng tăng 0,78% vốn hóa đứng thứ 4. VCB, cổ phiếu lớn nhất, cũng tăng 0,11%. Nhìn chung dù không tạo sức đẩy chiều tăng nhưng sự giằng co bù trừ trong biên độ dao động hẹp của các trụ cũng có vai trò lớn ổn định chỉ số phiên này.
Phân hóa mạnh trong nhóm bất động sản
Với độ rộng nghiêng hẳn về phía đỏ, chiều nay khá nhiều cổ phiếu bị bán mạnh hơn hẳn buổi sáng. Với số lượng mã giảm mạnh hơn 1% nhiều gấp đôi phiên sáng (72 mã), đã có những mã có thanh khoản đáng chú ý như DBC giảm 1,48% khớp 228,3 tỷ đồng; VND giảm 1,01% khớp 208 tỷ; DCM giảm 2,13% khớp 197,7 tỷ; PDR giảm 1,99% khớp 170,9 tỷ; HSG giảm 1,44% khớp 109,4 tỷ… Cổ phiếu bất động sản vẫn chiếm khá nhiều trong nhóm giảm sâu nhất thị trường phiên này dù vẫn nổi lên một số mã tăng khỏe thậm chí là kịch trần như QCG. Khả năng nâng đỡ của dòng tiền khác nhau vẫn đang tạo sự phân hóa ngay trong từng nhóm, dù có thể chỉ là phân hóa về biên độ.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng
Nhà đầu tư nước ngoài đã tăng bán buổi chiều với mức rút ròng mới đạt khoảng 207 tỷ đồng so với 123,8 tỷ đồng trong phiên sáng. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp khối này bán ròng mạnh đáng chú ý, với tổng giá trị bán trên HoSE đã lên tới gần 1.830 tỷ đồng.
Nguồn: https://vneconomy.vn
Xem bài viết gốc tại đây