TPS: Môi trường vĩ mô thuận lợi, nhiều yếu tố hỗ trợ dòng tiền nửa cuối năm 2024

Môi trường vĩ mô thuận lợi hỗ trợ dòng tiền nửa cuối năm 2024

Theo Research, nửa cuối năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ xoay quanh câu chuyện môi trường vĩ mô thuận lợi, nhiều yếu tố hỗ trợ dòng tiền. Định giá thị trường hiện tại còn hấp dẫn so với triển vọng phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp, trong khi các kênh đầu tư khác đang trở nên kém thu hút hơn.

Môi trường vĩ mô thuận lợi

Research nhận định, nửa cuối năm 2024, lạm phát và giá cả hàng hóa toàn cầu hạ nhiệt, thương mại toàn cầu tích cực. Nhiều ngân hàng trung ương, bao gồm cả Fed, sẽ tiến tới nới lỏng chính sách tiền tệ. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn năm trước, xuất khẩu phục hồi, lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được kỳ vọng tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện tại.

Nhiều yếu tố hỗ trợ dòng tiền

Hầu bao margin từ các công ty chứng khoán (CTCK) được mở rộng trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 đến hết năm 2025. Dự kiến lượng vốn vay margin nửa cuối năm 2024 sẽ tăng lên đáng kể khi hàng loạt CTCK đã thông qua kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ trong năm 2024. Điều này cho thấy dư địa cho vay margin thời gian tới còn rất lớn và hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán (TTCK).

Nửa cuối năm 2024 sẽ là giai đoạn tiền đề cho xu hướng tăng của thị trường. Câu chuyện nâng hạng thị trường đang sáng hơn khi trong báo cáo đánh giá của MSCI tháng 6/2024 cho thấy Việt Nam đã cải thiện được tiêu chí khả năng chuyển nhượng. Hệ thống KRX đang gấp rút hoàn thiện, kỳ vọng được triển khai từ tháng 9/2024, củng cố cho khả năng nâng hạng. Các bộ luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản,… có hiệu lực từ quý 3/2024 sẽ tạo động lực tăng điểm cho TTCK.

Các kênh đầu tư khác đang trở nên kém thu hút

Với kênh đầu tư vàng, giá vàng đang chứng kiến một xu hướng giảm đáng kể từ tháng 5 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Research nhận thấy mô hình vai đầu vai có thể xảy ra trong thời gian tới và giá vàng có thể về lại mức nền 2,000 USD, chấm dứt xu thế tăng từ năm 2015.

Với kênh đầu tư trái phiếu, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 ước tính đạt 234 nghìn tỷ đồng, tăng 6.47% so với cùng kỳ. Ngành bất động sản chiếm hơn 41%, theo sau là tổ chức tín dụng với 22.2%. Việc trái phiếu phát hành mới vẫn duy trì ở mức khá thấp do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phát hành mới và cần tất toán, tái cấu trúc nợ. Đa phần các trái phiếu đáo hạn thời gian tới đều nằm ở ngành bất động sản, nhưng áp lực thanh toán của các doanh nghiệp này dự kiến khó được giải tỏa khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, vướng mắc pháp lý vẫn tiếp diễn vì độ trễ chính sách.

Research đánh giá thị trường trái phiếu sẽ khởi sắc hơn trong giai đoạn cuối năm nhưng vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn khiến nhà đầu tư thận trọng hơn khi tiếp cận kênh đầu tư này.

Định giá vẫn còn hấp dẫn so với triển vọng phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp

Research cho rằng mức định giá hiện tại vẫn còn hấp dẫn khi so với triển vọng phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm nay và so với trung bình 10 năm. Triển vọng của năm 2024, kịch bản cơ sở là VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1,381 điểm, tương ứng tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu là 15.x, tương đương trung bình 10 năm gần nhất.

Dưới một góc nhìn lạc quan hơn, VN-Index có thể đạt mức 1,444 điểm với kịch bản lợi nhuận tăng trưởng 15% khi các yếu tố khó khăn về vĩ mô sẽ thuyên giảm, các NHTW thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này sẽ kích thích hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Các rủi ro cần chú ý

Chính sách tiền tệ của Fed, diễn biến địa chính trị thế giới, dòng vốn đầu tư của khối ngoại, kỳ vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp hay thậm chí cả việc KRX bị hoãn và nâng hạng thị trường gặp khó đều là những rủi ro cần chú ý.


Nguồn: https://vietstock.vn

Xem bài viết gốc tại đây

Leave a Comment

Scroll to Top