Vì sao 1,300?

Vì sao VN-Index “lẩn tránh” mốc 1.300?

1.300 điểm: Ngưỡng tâm lý khó chinh phục

Phiên 27/9, VN-Index từng tăng lên 1.300,31 điểm, mang đến sự phấn khởi cho thị trường chứng khoán sau khi Fed hạ lãi suất vào ngày 18/9. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, thị trường nhanh chóng quay đầu giảm và mốc 1.300 vẫn chưa thể chinh phục được. Đến đầu tháng 10, VN-Index liên tục ngấp nghé vượt 1.300 điểm, nhưng mức điểm này trở thành một bức tường lớn mà thị trường chưa thể vượt qua. 1.300 điểm là một ngưỡng tâm lý quan trọng, một cột mốc mà thị trường cần vượt qua để bước vào xu hướng tăng bền vững.

Ngưỡng kháng cự tâm lý trong chứng khoán là một mức giá mà nhà đầu tư thường kỳ vọng giá cổ phiếu hoặc chỉ số sẽ gặp khó khăn trong việc vượt qua. Đây là những mức giá, chỉ số có ý nghĩa tâm lý đối với thị trường, thường là các con số tròn hoặc các mức giá dễ nhớ, khiến nhiều nhà đầu tư đặt lệnh bán hoặc chốt lời tại đó. Khi giá cổ phiếu tiếp cận hoặc chạm vào ngưỡng này, nhiều nhà đầu tư có thể quyết định bán ra để chốt lời hoặc tránh rủi ro, tạo áp lực bán, khiến giá không thể vượt hẳn mức này. Đồng thời, ngưỡng kháng cự tâm lý cũng phản ánh sự tin tưởng hoặc e ngại của nhà đầu tư đối với mức giá cụ thể, cho thấy sự đồng thuận chung về giá trị của cổ phiếu hoặc thị trường tại mức giá đó.

Lịch sử các ngưỡng tâm lý của VN-Index

Trong quá khứ, VN-Index đã ghi nhận nhiều ngưỡng tâm lý như mốc 500 điểm vào năm 2013, 650 điểm vào năm 2015-2016, 1.000 điểm vào năm 2018-2019 và 1.500 điểm vào năm 2022. Mỗi mốc đều đánh dấu những thời kỳ đặc biệt, ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính sách và niềm tin của nhà đầu tư.

500 điểm: Phục hồi sau khủng hoảng 2008

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, VN-Index giảm mạnh và việc thị trường phục hồi lại mức 500 điểm là một dấu mốc đáng chú ý. Chính trị ổn định và các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất dần đi vào quỹ đạo ổn định, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phục hồi. Chính phủ cũng tiến hành cải cách hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và tái cấu trúc các ngân hàng thương mại yếu kém, góp phần tạo ra môi trường tài chính lành mạnh hơn. Về mặt chính sách vĩ mô, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế nhằm giảm lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Điều này đã giúp thị trường chứng khoán từng bước hồi phục.

650 điểm: Kinh tế ổn định, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Trong giai đoạn 2014-2016, nền kinh tế Việt Nam có những bước tiến vững chắc với tăng trưởng GDP ổn định, lạm phát được kiểm soát và xuất khẩu tiếp tục phát triển. Thị trường chứng khoán có thêm nhiều hàng hóa mới do Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Với sự phát triển kinh tế ổn định và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nhà đầu tư bắt đầu lấy lại niềm tin vào thị trường chứng khoán. Bởi vậy sau khi vượt khỏi vùng 650 điểm, VN-Index sải cánh bay tới đỉnh 1.200 điểm vào tháng 4/2018.

1.000 điểm: Áp lực từ căng thẳng thương mại và chính sách tiền tệ

Sau khi đạt đỉnh vào đầu năm 2018, VN-Index đã gặp phải áp lực lớn từ cả yếu tố nội địa lẫn quốc tế. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung nổ ra đã tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Cùng lúc đó, sự bất ổn từ thị trường Mỹ và các khu vực khác cũng ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Lãi suất trong nước có dấu hiệu tăng nhẹ và việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát cũng góp phần tạo áp lực lên thị trường. Ngưỡng 1.000 điểm lúc đó đã nhiều lần trở thành mức kháng cự mạnh, khiến VN-Index điều chỉnh trước khi tiếp tục xu hướng tăng. Dù vậy, giai đoạn này vẫn được xem là thời kỳ tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế Việt Nam, với sự ổn định trong các chỉ số kinh tế vĩ mô.

1.500 điểm: Khởi sắc sau đại dịch, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho điều chỉnh

Đây là một giai đoạn đáng chú ý của thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index vượt qua ngưỡng 1.500 điểm, mức kháng cự tâm lý mạnh và cũng là mức cao nhất trong lịch sử tính đến thời điểm đó. Thị trường chứng khoán Việt Nam vào thời điểm này phát triển mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, nhờ các gói hỗ trợ kinh tế lớn từ Chính phủ, làn sóng F0 gia nhập thị trường. Trái ngược với lo ngại kinh tế bị suy thoái, trong thời COVID-19, nhiều nhóm ngành như bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính phát triển mạnh mẽ, tạo cơ sở đẩy chứng khoán lên cao. Tuy nhiên, việc vượt qua mốc 1.500 điểm cũng đồng thời đánh dấu giai đoạn điều chỉnh lớn sau đó, khi thị trường bắt đầu giảm mạnh vào cuối năm 2022, do ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát toàn cầu, tăng lãi suất, cú sập trái phiếu doanh nghiệp trong nước và xung đột địa chính trị.

1.300 điểm: Chờ đợi câu chuyện mới

Quay trở lại mốc 1.300 hiện tại, VN-Index đang gặp khó khăn trong việc vượt qua ngưỡng tâm lý này. Thị trường chưa có câu chuyện mới đủ để tạo sự bứt phá. Dòng tiền mới chưa vào thị trường mà chỉ chảy luân phiên giữa các nhóm vốn hóa, tạo ra sự tăng giảm luân phiên. Khi nhóm vốn hóa lớn tăng thì nhóm vừa và nhỏ sẽ giảm và ngược lại. Đây cũng là nguyên nhân khiến VN-Index khó vượt ngưỡng này.

Chỉ số sẽ vượt qua ngưỡng này khi dòng tiền mới xuất hiện và có sự đồng thuận ở hầu hết các nhóm ngành. Sau 1.300, khả năng chỉ số lên được 1.350 – 1.400 trong năm nay là không khó. Thêm vào đó, mốc 1.300 sẽ trở thành hỗ trợ cứng cho chỉ số. Các chuyên gia nhận định, nếu muốn kéo VN-Index qua 1.300 thì không khó, chỉ cần kéo cổ phiếu trụ lên. Tuy vậy, nhiều lần chỉ số đã vượt ngưỡng này nhưng dòng tiền không vào. Thanh khoản vẫn kém, số mã tăng vẫn hạn chế và tập trung ở một số mã, cho thấy tâm lý thị trường vẫn chưa được cởi bỏ.

Kết luận: Thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư

Nhìn chung, điểm tích cực là VN-Index vẫn vận động trong xu hướng tăng trong suốt hơn 10 năm qua. Các ngưỡng kháng cự tâm lý nhìn chung được nâng cao lên, thể hiện mặt bằng giá của thị trường chứng khoán ngày cao. Mốc 1.300 điểm hiện tại đang thể hiện sự thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Làn sóng cắt giảm lãi suất trên toàn cầu mở ra tín hiệu của thời kỳ nới lỏng tiền tệ. Theo lý thuyết, lãi suất thấp, thị trường chứng khoán sẽ hưởng lợi. Tuy vậy, chính sách nới lỏng tiền tệ, nếu không kích thích nền kinh tế tăng trưởng, sẽ châm ngòi cho một giai đoạn suy thoái mới. Nếu điều đó xảy ra, thị trường chứng khoán không thể tránh khỏi sự ảm đạm. Thêm vào đó, nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay căng thẳng ở Trung Đông.

Không nhìn thấy một viễn cảnh rõ ràng, dòng tiền chưa thể tự tin trở lại thị trường chứng khoán.


Nguồn: https://vietstock.vn

Xem bài viết gốc tại đây

Leave a Comment

Scroll to Top